Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Mạng lưới y tế dự phòng, cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở đào tạo nhân lực, cơ sở nghiên cứu, sản xuất và cung ứng dược phẩm, bảo hiểm y tế, năng lực chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ đều có bước phát triển vượt bậc. Ngành y tế đã có bước tiến bộ vượt bậc trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, làm nên một số thành công ngang tầm thế giới. Y tế Việt Nam luôn có những biện pháp hiệu quả, luôn coi trọng và đảm bảo được tính mạng, sức khỏe của nhân dân, khiến thế giới khâm phục bởi những thành công trong kiểm soát, khống chế, điều trị nhiều bệnh, dịch nguy hiểm như SARS, cúm A/H5N1, Ebola, MERS-Co, COVID-19…
Đóng góp vào sự phát triển chung của ngành y tế, 65 năm kể từ khi thành lập Đơn vị quản lý lĩnh vực đào tạo đầu tiên của Bộ Y tế (năm1955), qua nhiều tên gọi khác nhau, các thế hệ lãnh đạo, chuyên viên của Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo đã luôn luôn nêu cao vai trò trách nhiệm của nhà quản lý, nhà nghiên cứu, của người thầy thuốc, thầy giáo,tâm huyết với ngành, vượt lên mọi khó khăn, thách thức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hệ thống đào tạo nhân lực y tế có sự phát triển mạnh mẽ với nhiều trường đại học, cao đẳng và trung cấp trên cả nước, đội ngũ nhân lực y tế ngày càng tăng cường về số lượng và chất lượng đáp ứng cơ bản yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân tất cả các tuyến y tế từ trung ương đến tận vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Tổng số cán bộ y tế tăng từ 441,4 nghìn người năm 2015lên khoảng 480 nghìn người năm 2018. Tỷ lệ bác sỹ trên một vạn dân tăng từ 8,0 năm 2015 lên 9,0 năm 2020. Cơ cấu trình độ chuyển biến theo hướng tích cực; trình độ từ đại học trở lên đạt 30,7%; cao đẳng đạt gần 23%; trung cấp đạt 8,3% và sơ cấp đạt 38%. Thực hiện bước đầu đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo nhân lực y tế theo hướng hội nhập quốc tế; thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia tiến tới tổ chức thi quốc gia để đánh giá năng lực trước khi cấp chứng chỉ hành nghề.
Với các chương trình, đề án, dự án khoa học công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp cơ sở, đề tài hợp tác với nước ngoài lĩnh vực y tế đã được nghiệm thu, chuyển giao và áp dụng vào thực tiễn, hệ thống quản lý thử nghiệm lâm sàng được quốc tế công nhận đã đưa trình độ khoa học công nghệ lĩnh vực y tế Việt Nam tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trên thế giới như: ghép tạng, phẫu thuật nội soi và tim mạch can thiệp, y học hạt nhân, hỗ trợ sinh sản, sản xuất vắc xin, trang thiết bị y tế, sinh phẩm chẩn đoán và điều trị,… với chi phí giảm từ 1/2- 1/3 so với sản phẩm, dịch vụ cùng loại ở nước ngoài. Hằng năm, số giải thưởng và thành tựu nổi bật về khoa học công nghệ luôn đứng tốp đầu trong các chuyên ngành. Số công trình nghiên cứu y- dược học công bố trên tạp chí khoa học quốc tế chiếm tỷ trọng cao nhất (16-18%) trong tổng số công trình của Việt Nam.
Để đạt được những thành tựu to lớn về phát triển khoa học công nghệ và đào tạo nhân lực ngành y tế, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo với chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Y tế thực hiện quản lý về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực y tế trong cả nước đã luôn đóng vai trò quan trọng trong công tác tham mưu xây dựng ban hành các văn bản pháp quy, quản lý, chỉ đạo và tổ chức triển khai các hoạt động khoa học công nghệ và đào tạo góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo – Bộ Y tế xứng đáng với những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng, được Bộ Y tế cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các Bộ, Ngành khác đánh giá cao và ghi nhận là một trong những đơn vị tham mưu cấp Bộ có nhiều thành tích xuất sắc.
TS. Phạm Văn Tác
Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia
Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo
Hãy để lại bình luận