7 tiếng không ngơi nghỉ của thầy trò trường y tại ‘điểm nóng’ Bắc Giang

Nhận được lời kêu gọi đi chi viện cho điểm nóng Bắc Giang, nhiều sinh viên, giảng viên của Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương không ngần ngại lên đường. Trong số họ, có những người từng 4 lần tham gia chống dịch.

Hơn 2h sáng ngày 17/5, Nguyễn Thùy Linh (sinh viên năm thứ 2, lớp Kỹ thuật Xét nghiệm y học) cùng những người bạn của mình mới được đặt lưng xuống nghỉ sau hơn 7 tiếng xét nghiệm liên tục.

Chỉ trong thời gian ngắn, tỉnh Bắc Giang đã xuất hiện tới 3 ổ dịch Covid-19. Đây đều là những ổ dịch phức tạp, có nguy cơ lây lan cao. Trước tình hình ấy, hơn 200 sinh viên của Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương như Linh đã được huy động về đây để tham gia hỗ trợ chống dịch.

Thả ba lô xuống, không kịp có thời gian ngơi nghỉ, Linh cùng các bạn được đi nghe phổ biến nội dung, kế hoạch triển khai truy vết và lấy mẫu xét nghiệm.

“Mọi thứ đều diễn ra hết sức gấp rút. Nhiệm vụ của chúng em là hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm cho khoảng 20.000 người dân của 2 thôn Trung Đồng (xã Vân Trung) và Núi Hiểu (xã Quang Châu) ngay trong đêm”.

7 tiếng không ngơi nghỉ của thầy trò trường y tại 'điểm nóng' Bắc Giang

212 sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương xung phong tham gia chống dịch ở Bắc Giang

 

6h30 tối, trong bộ đồ bảo hộ trắng, Linh cùng một nhóm bạn được phân công đi tới thôn Núi Hiểu để thực hiện nhiệm vụ. Mọi thao tác kỹ thuật đều không quá khó khăn đối với những sinh viên trường y, vì đây đã là lần thứ hai nhóm của Linh tham gia chống dịch.

“Đợt trước, chúng em đã từng tham gia chống dịch kéo dài hơn 1 tháng ở Chí Linh (Hải Dương). Có thời điểm, cả nhóm phải làm việc liên tục tới gần 20 tiếng mỗi ngày. Guồng làm việc đó đã khiến chúng em quen với tốc độ “chạy đua” cùng thời gian”.

Căng thẳng và kiệt sức là những điều nữ sinh trường y cảm nhận được trong quãng thời gian tham gia chống dịch.

“Khi làm việc, chúng em vẫn phải duy trì việc mặc đồ bảo hộ. Thời tiết nóng bức khiến người ai cũng ướt sũng do mồ hồ túa ra, còn tay bấy lên vì ướt”.

Sự gấp rút cũng khiến Linh quên luôn cảm giác chân mỏi nhừ và cổ họng khô khốc vì khát nước. Cật lực lấy mẫu đến 1h30 sáng, nhóm của Linh cũng đã hoàn thành nhiệm vụ của ngày 16/5.

“Ai cũng mệt mỏi rã rời, vì thế tắm gội xong, tất cả đều chìm vào trong giấc ngủ”, Linh nói.

7 tiếng không ngơi nghỉ của thầy trò trường y tại ‘điểm nóng’ Bắc Giang

 

7 tiếng không ngơi nghỉ của thầy trò trường y tại 'điểm nóng' Bắc Giang

Thời tiết nóng bức khiến người ai cũng ướt sũng do mồ hồ túa ra, còn tay bấy lên vì ướt.

 

Cô giáo 4 lần xung phong chống dịch

Cùng đi với 212 học trò tới Bắc Giang còn có thêm 3 thầy cô giáo của Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương.

Mặc dù có 3 con nhỏ, trong đó đứa bé nhất chỉ mới 2 tuổi, nhưng trước lời kêu gọi “chia lửa” cùng điểm nóng Covid-19, nữ giảng viên Hoàng Thị Hằng vẫn quyết định thu xếp chuyện gia đình, xung phong lên đường chi viện cho Bắc Giang.

7 tiếng không ngơi nghỉ của thầy trò trường y tại 'điểm nóng' Bắc Giang

Cô giáo Hoàng Thị Hằng xung phong lên đường chi viện cho Bắc Giang.

 

10h sáng Chủ nhật, khi đang ngồi chơi với con, chị Hằng nhận được điện thoại điều động từ cơ quan nói cần gấp hơn 200 sinh viên, giảng viên lên đường hỗ trợ chống dịch.

“Khi ấy, tôi không có thời gian để suy nghĩ quá nhiều. Tôi quyết định đăng ký tham gia. Hơn nữa, Bắc Giang là quê của tôi. Khi biết tỉnh mình cần chi viện, tôi xung phong đi với mong muốn được trở về quê hương mình chống dịch”, cô giáo trẻ nói.

Trước khi đi, chị Hằng cũng chỉ kịp dặn dò chồng vài câu, hôn chào tạm biệt các con rồi cùng học trò và đồng nghiệp lên đường.

7 tiếng không ngơi nghỉ của thầy trò trường y tại 'điểm nóng' Bắc Giang

Sinh viên, giảng viên lên đường đi chống dịch ngày 16/5.

 

“May mắn, gia đình nhà chồng rất thấu hiểu công việc của tôi, do đó mọi người đều sẵn sàng hỗ trợ chuyện con cái, nhà cửa trong lúc tôi vắng nhà”.

Đây cũng là lần thứ 4 cô giáo trẻ xung phong lên đường tham gia chống dịch.

Vào thời điểm Chí Linh (Hải Dương) trở thành điểm nóng Covid-19, chị Hằng cũng xung phong tới làm việc tại Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC). Tham gia chống dịch trong suốt 35 ngày liên tục và làm xuyên Tết, đôi lúc, chị Hằng cũng cảm thấy “có lỗi với chồng, với con”.

Nhưng sau đó trở về trường, khi có lệnh điều động, chị lại tiếp tục tham gia lấy mẫu xét nghiệm tại Bệnh viện dã chiến.

Hoàn thành nhiệm vụ chống dịch ở Hải Dương cách đây không lâu, đến ngày 16/5, chị Hằng lại nhận được lệnh lên đường tăng cường cho các đồng nghiệp ở tỉnh bạn.

“Chúng tôi không nề hà, càng không sợ vất vả. Có thời điểm, chúng tôi cũng không tính được mình đã không ngủ trong bao lâu. Nhưng điều đó không có sá gì, bởi chúng tôi làm nhiệm vụ với một quyết tâm cao là phải chiến thắng dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở về bình yên”.

“Mỗi người nỗ lực một chút, chắc chắn sẽ đẩy lùi được dịch bệnh”

Từng tham gia chống dịch ở điểm nóng Chí Linh, Hải Dương, đây là lần thứ hai Đinh Hoàng Anh (sinh viên năm thứ 3, lớp Kỹ thuật Xét nghiệm y học) xung phong lên đường tham gia chống dịch.

Dù chỉ nhận thông báo vài tiếng trước khi xuất phát, nhưng Hoàng Anh cũng luôn trong tâm thế sẵn sàng.

“Giờ đây, ở nhiều nơi, trận chiến Covid-19 vẫn đang nóng như chảo lửa. Là sinh viên trường y, em cũng ý thức được việc phải đi đầu trong việc chống dịch và thể hiện trách nhiệm của bản thân trong giai đoạn này. Dù ở bất kỳ đâu, khi có sự kêu gọi của Tổ quốc, chúng em cũng sẽ sẵn sàng tham gia”, Hoàng Anh nói.

7 tiếng không ngơi nghỉ của thầy trò trường y tại 'điểm nóng' Bắc Giang

Xét nghiệm đến tận đêm

 

Trước khi tham gia vào những “trận chiến thực sự” này, nhóm của Hoàng Anh đã được tập huấn kỹ càng từ việc mặc và cởi đồ bảo hộ, đến quy trình lấy mẫu xét nghiệm,…

“Những công việc này em đã được tập huấn kỹ càng từ đợt dịch hồi Tết ở Hải Dương, vì thế, quy trình thực hiện chúng em cũng đã nắm khá rõ.

Ý thức được những nguy hiểm khi đi vào điểm nóng, vì thế, chúng em đều thực hiện nghiêm túc các quy tắc đã được tập huấn để tự bảo vệ mình và bảo vệ những người xung quanh”.

Trước yêu cầu gấp gáp, nhóm của Hoàng Anh đã phải làm việc liên tục suốt đêm, đến 1h30 sáng. Nhờ đó, nhóm đã hoàn thành việc lấy được khoảng 6.000 mẫu xét nghiệm của thôn Trung Đồng.

Làm việc với cường độ cao, nhưng nam sinh trường Y cảm thấy vui bởi “mỗi người nỗ lực một chút, chắc chắn sẽ đẩy lùi được dịch bệnh”.

Nguồn: Thúy Nga – vietnamnet.vn

Hãy để lại bình luận

avatar
  Subscribe  
Notify of

Bình luận Facebook

Bản quyền thuộc về Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế - Thiết kế Web Minh Dương
thiết kế web giá rẻ | dịch vụ seo