Nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” của Bộ Y tế và tuyên truyền các tấm gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong thực hiện tốt công tác y tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Bộ Y tế tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Đổi mới y tế toàn diện vì sự hài lòng của người bệnh
Khách mời là TS. Phạm Văn Tác Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, BS.CKII Phù Chí Dũng – Giám đốc Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TPHCM và Thầy thuốc nhân dân GS.TS.BS Nguyễn Đức Công – Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất:
Dưới đây là nội dung buổi giao lưu trực tuyến
– Nguyễn Tuấn Minh: Tôi được biết đã có hơn 20 bệnh viện trung ương ký cam kết “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Xin ông cho biết một số biết kết quả bước đầu đạt được trong quá trình thực hiện cam kết trên?
>> TS Phạm Văn Tác – Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Y tế:
Tới nay 38 bệnh viện của Bộ Y tế hầu hết đã triển khai việc “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Tuy nhiên việc ký cam kết chính thức là hơn 20 bệnh viện. Việc tổ chức cuộc vận động ký cam kết “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh” được các địa phương, bệnh viện và người dân rất quan tâm. Chính thức ngày 4-6-2015, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phê duyệt kế hoạch 2151 về “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.
Đến nay việc khởi động cuộc vận động ký cam kết trên đã được triển khai thực hiện tại tất cả các vùng miền trong cả nước bắt đầu từ miền Bắc tới miền Nam và miền Trung. Trong thời gian qua bước đầu thực hiện cho thấy kế hoạch đổi mới được người dân hưởng ứng rất tích cực và cán bộ y tế cũng đang rất nỗ lực thực hiện, với những kết quả ban đầu rất khích lệ. Ví dụ như qua hoạt động của đường dây nóng y tế theo chỉ thị 09 và hòm thư góp ý theo thông tư 25 cho thấy những phản ánh bức xúc của người dân khi đi khám chữa bệnh đã giảm dần, lời khen đã nhiều hơn tiếng chê. Người dân khi đi khám chữa bệnh cũng đã cảm nhận được sự thay đổi, chuyển mình thực sự của các y, bác sĩ trong hoạt động khám chữa bệnh tại bệnh viện nhưng tất nhiên không thể là tuyệt đối 100%.
Bên cạnh đó cũng có những khó khăn, trong đó lớn nhất là thay đổi nhận thức của cán bộ y tế và thay đổi cả thái độ của người bệnh khi đi khám chữa bệnh. Không ít người dân khi đi khám chữa bệnh cũng vẫn nặng tâm lý, hay suy nghĩ phải có “phong bì” thì mới được chăm sóc tốt. Tuy nhiên trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường hiện nay luôn đòi hỏi sự công bằng giữa người cung ứng dịch vụ với người được hưởng thụ dịch vụ đó. Vì thế cán bộ y tế phải có sự thay đổi nhận thức chuyển từ “ban ơn” trước đây sang phục vụ theo cơ chế dịch vụ, phải tôn trọng bệnh nhân, tiếp đón niềm nở, chăm sóc chu đáo và dặn dò cẩn thận khi bệnh nhân ra viện. Bên cạnh đó, người bệnh cũng phải thay đổi nhận thức vì họ là khách hàng có quyền yêu cầu cán bộ y tế một cách hợp lý để nhận được sự chăm sóc, điều trị tốt nhất.
TS Phạm Văn Tác – Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Y tế. (Ảnh: Q.K)
– tranha@yahoo.com: Tôi thấy báo chí nói ngành y tế đang thay đổi thái độ phục vụ nhưng khi đi khám bệnh ở bệnh viện tôi vẫn phải chờ đợi rất lâu, có khi tới cả tiếng đồng hồ mới đến lượt. Đến khi khám xong thì mất nguyên buổi. Ngành y tế làm sao rút ngắn chờ đợi cho người bệnh?
>> BS.CKII Phù Chí Dũng – Giám đốc Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TPHCM:
Để rút ngắn thời gian khám bệnh Bộ Y tế đã ra Quyết định 1313 chỉ đạo cho các bệnh viện trong cả nước và tại TPHCM cần đẩy mạnh cải cách quy trình khám bệnh nhằm rút bỏ bớt một số khâu không cần thiết, tăng cường công nghệ thông tin, cải cách về giao tiếp đối với người bệnh… Tăng cường kiểm tra giám sát nhằm phát hiện các sai sót và kịp thời chấn chỉnh.
– luungoctrang321@gmail.com: Nói bệnh nhân là khách hàng nhưng chỉ đúng với bệnh nhân đi khám dịch vụ của bệnh viện chứ đi khám BHYT tôi vẫn bị phân biệt đối xử. Lâu nay vào bệnh viện, bệnh nhân có BHYT bao giờ cũng bị “ít chu đáo” hơn bệnh nhân bỏ tiền khám dịch vụ. Có phải vì đồng tiền mà bệnh viện có thái độ như vậy?
>> BS.CKII Phù Chí Dũng – Giám đốc Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TPHCM:
Hiện nay tiến tới việc BHYT toàn dân, nhằm ngày càng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân trong cả nước. Đặc biệt là tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội tình trạng quá tải bệnh vẫn còn xảy ra ở một số các bệnh viện. Mặc dù ngành y tế đã có nhiều giải pháp giảm tải đối với các bệnh viện tuyến cuối, tuyến chuyên khoa. Hơn nữa, nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày phong phú, ngày càng cao của người dân, do đó khám chữa bệnh dịch vụ cũng được triểm khai ở một số các bệnh viện. Tuy nhiên trong thời gian qua, ở một số bệnh viện việc quản lý khám chữa bệnh dịch vụ đôi lúc chưa chặt chẽ nên dẫn đến tình trạng phục vụ cho người khám dịch vụ và khám bệnh không có dịch vụ đôi lúc có sự khác biệt và không làm hài lòng người dân khi khám chữa bệnh.
Thấy được vấn đề này, quản lý nhà nước về y tế đã đưa ra nhiều văn bản nhằm chấn chỉnh khám chữa bệnh dịch vụ của các bệnh viện, thường xuyên kiểm tra giám sát. Hy vọng trong thời gian sắp tới không còn có sự khác biệt giữa khám chữa bệnh bằng BHYT và dịch vụ.
– Nguyễn Đắc Nghĩa (Cần Giờ, TPHCM): Tôi có 3 câu hỏi nhờ chương trình chia sẻ, giải đáp. 1- Đổi mới (y tế) có phải làm mới cái cũ? nếu vậy thì xin y tế cho biết cái cũ (y tế) có gì không hài lòng cần phải đổi mới. Sự hài lòng của bệnh nhân có gì mới mà y tế không đáp ứng hoặc theo kịp? 2- Bây giờ mới có cuộc vận động đổi mới toàn diện, như vậy có quá trễ, quá khó chữa trị khi nó đã trở thành thói quen, thành bệnh! Tại sao đó không phải là công việc thường xuyên, làm cho mỗi ngày mỗi mới? 3- Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế theo tôi không gì mới hơn là làm sao cho người bệnh hài lòng và gọi bệnh viện là ”nhà thương” như đã từng gọi.. . Rất Cám ơn!
>> Thầy thuốc nhân dân GS.TS.BS Nguyễn Đức Công – Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất:
TPHCM Có thể nói rằng đổi mới y tế toàn diện phải dựa trên nền những cái có sẵn: phát huy những điểm tốt, mặt mạnh sẵn có của ngành; phải thay đổi, đổi mới những điểm mà người dân chưa hài lòng để hướng tới một dịch vụ Y tế ngày càng tốt hơn. Chúng ta phải làm sao để làm tốt theo lời dạy của Bác Hồ “Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải như người mẹ hiền”. Hiện tại, trong phục vụ của ngành Y tế nói chung đã có nhiều ưu điểm, trình độ chuyên môn kỹ thuật tiếp cận được với sự phát triển của khu vực tại các bệnh viện lớn. Tinh thần, thái độ của đa số cán bộ viên chức ngành Y là tốt. Tuy nhiên, đôi lúc đôi nơi vẫn còn có sai sót trong thái độ tiếp xúc và thi thoảng vẫn còn có những tai biến cho bệnh nhân. Vấn đề này do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau. Chính vì vậy, chúng tôi thấy rằng việc đổi mới y tế toàn diện để nâng cao sự hài lòng là một vấn đề cần thiết.
Cuốc sống ngày càng được nâng cao cả về vật chất và tinh thần nên đòi hỏi chất lượng dịch vụ y tế cũng phải được nâng cao. Trong khi ở các nước phát triển người ta có khoảng 35-40 bác sĩ/10.000 dân thì chúng ta mới có được khoảng 7-8 bác sĩ/10.000 dân. Còn ở các khu vực vùng sâu vùng xa thì tỷ lệ này còn thấp hơn nhiều. Số giường bệnh và bệnh viện trong các thành phố lớn có một thời gian dài chưa được nâng lên. Chính vì vậy, cơ sở vật chất và con người chưa đủ đáp ứng với nhu cầu của người bệnh. Đời sống của cán bộ viên chức ngành Y cũng còn nhiều khó khăn trong khi cường độ làm việc rất cao và đòi hỏi chất lượng phục vụ của người dân không ngừng tăng lên. Chính vì vậy, vẫn còn có những bất cấp như: tình trạng quá tải ở các bệnh viện lớn, bệnh viện chuyên khoa; tinh thần phục vụ có lúc có nơi còn chưa được hài lòng người bệnh; cơ sở vật chất có chỗ còn chưa đủ để đáp ứng với mong muốn của bệnh nhân…
Thật chất ngành Y tế luôn luôn được đổi mới và nâng cao toàn diện chất lượng phục vụ. Lần này là một đợt vận động lớn, mạnh mẽ, sâu rộng nhằm đổi mới Y tế toàn diện để đáp ứng sự hài lòng của người bệnh trong hoàn cảnh mới. Không phải bây giờ ngành Y tế mới đổi mới mà việc này đã là một quá trình từ lâu nhưng chưa đáp ứng được mong muốn của người bệnh cho nên mới có cuộc vận động này. Chúng tôi nghĩ rằng không có việc gì là quá muộn nếu chúng ta nhìn thấy được vấn đề, biết cách tổ chức triển khai, giải quyết rốt ráo vấn đề thì chúng ta sẽ nhanh chóng đáp ứng được từng bước mong muốn và yêu cầu của nhân dân trong công việc khám và chưa bệnh. Rất cảm ơn bác! Đúng là: “Đổi mới Y tế toàn diện vì sự hài lòng của người bệnh” là chủ đề của buổi giao lưu ngày hôm nay. Chính cái tên của chủ đề buổi giao lưu đã đúng như ý của bác suy nghĩ. Xin trân trọng cảm ơn bác!
Hãy để lại bình luận