Những khúc cua tay áo, gập ghềnh dẫn tới các huyện vùng núi xa xôi của tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng với nhiều người đi du lịch còn thấy ngại, thế mà không cản được những bước chân, trái tim tình nguyện đầy nhiệt huyết của những cô gái tuổi đôi mươi.
Hành trang là chiếc blouse trắng, ba nữ bác sỹ trẻ ấy nguyện dành những ngày tháng tươi đẹp nhất để chăm sóc sức khỏe cho người dân ở huyện Hoàng Su Phì, Mèo Vạc, Hà Quảng…
BA LẦN XIN ĐI TÌNH NGUYỆN
Đã hơn 9 tháng kể từ khi nhận công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang), bác sỹ trẻ Nguyễn Thị Thu Hồng (sinh năm 1990) không còn lạ lẫm gì với những con người, phong tục ở mảnh đất vùng cao này. Cô có thể giao tiếp, nói được tiếng dân tộc (Mông) ở mức cơ bản với người dân Mèo Vạc.
Hành trình về quê của cô bác sỹ trẻ này khá gian nan, từ bệnh viện về đến nhà mất khoảng 15-18 giờ đồng hồ đi xe khách với 2 chặng: Mèo Vạc – Hà Giang (150km) và chặng Hà Giang – Ninh Bình (400km).
Xa xôi, khó khăn là thế nhưng Hồng không nản lòng. “Em suy nghĩ đơn giản là tuổi trẻ đi càng nhiều càng tốt. Đi và trải nghiệm cuộc sống, lại có thể đem một phần sức nhỏ bé của mình giúp cho vùng cao thì càng ý nghĩa và không bao giờ cảm thấy hối tiếc,” Hồng chia sẻ.
Rồi cô bảo rằng, người dân vùng cao điều kiện vệ sinh kém, kiến thức về chăm sóc sức khỏe còn hạn chế. Có cháu chỉ một cái mụn nhỏ nhưng gia đình bé không biết chăm sóc, không đến viện sớm, để đến mức nhiễm khuẩn huyết mới tới viện. Có một số trường hợp mới 29 tuổi đã xơ gan, khối u gan 15cm, di căn phổi… Đó là những thực trạng đáng buồn khiến cô gái trẻ ấy cứ day dứt mãi.
“Đồng bào vùng cao rất khổ, để đi được đến viện đã là cả một hành trình khi đường vừa xa, vừa xấu (có chỗ cách viện 50-60km). Do đó, nếu thấy bệnh nhẹ, họ ở nhà rồi đến khi không chịu được nữa mới đến viện thì đã quá nặng, vượt quá khả năng của bệnh viện. Nhiều khi bác sỹ cho chuyển tuyến thì bệnh nhân lại không đồng ý đi vì không biết tiếng Kinh, không có tiền. Chính vì vậy, tuyến y tế cơ sở được tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là những thuận lợi vững chắc để người dân được hưởng những dịch vụ tốt gần họ,” Hồng tâm sự.
Bác sỹ trẻ Nguyễn Thị Thu Hồng siêu âm cho người dân tại Bệnh viện đa khoa huyện Mèo Vạc. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Khi được hỏi vì sao tham gia Dự án bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, Hồng kể, từ khi còn học năm thứ 6 đại học, cô đã đăng ký tham gia dự án hai lần. Tuy nhiên, cả 2 lần đăng ký đó Hồng đều không nhận được phản hồi.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Hồng được nhận biên chế và về làm lâm sàng ở bệnh viện đa khoa tỉnh hơn một năm rồi tiếp tục đăng ký học chuyên khoa 1 và học đúng chuyên ngành yêu thích là Chẩn đoán hình ảnh.
Trong quá trình học, Hồng đã liên hệ với giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc để hiểu hơn về bệnh tật ở địa phương cũng như chuẩn bị các kiến thức và kỹ năng bệnh viện mong muốn được triển khai. Từ đó, cô tập trung học kỹ thuật, thậm chí tự bỏ tiền để học thêm với kỳ vọng có thể làm được thật nhiều cho bà con.
Sau khi về Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc công tác, bác sỹ Hồng được ban giám đốc sắp xếp chỗ ở ngay trong bệnh viện để có thể thuận tiện thường trú 24/24, thăm khám bệnh nhân bất cứ lúc nào.
Về chuyên môn, bác sỹ Hồng đã thực hiện được gần 120 kỹ thuật, phân tuyến kỹ thuật và theo chương trình đào tạo. Đặc biệt, bác sỹ Hồng đã chuyển giao cho đơn vị 8 kỹ thuật gồm siêu âm thóp, siêu âm khớp (khớp vai, khuỷu, cổ tay,háng,…), siêu âm mạch 2, lấy dị vật trong cơ dưới hướng dẫn siêu âm, chọc dịch khớp khối dưới hướng dẫn siêu âm…
“NGƯỜI DÂN SỐNG ĐƯỢC THÌ MÌNH CŨNG CÔNG TÁC ĐƯỢC”
Tháng 1/2018, sau khi tốt nghiệp chuyên khoa I tại trường Đại học Y Hà Nội chuyên ngành Nội khoa, bác sĩ trẻ Nguyễn Thị Thu (ở Hà Nội) lên nhận công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hà Quảng (Cao Bằng), bắt đầu “một hành trình” hoàn toàn mới – hai năm công tác tại một huyện miền núi.
Thu chia sẻ, cô lựa chọn tham gia dự án vì đây là cơ hội để những bác sỹ trẻ mới ra trường như mình được học tập được mang sức trẻ cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng cao.
“Trước khi lên vùng cao, em cũng nghe nói nhiều khó khăn sẽ chờ đợi trước mắt, những em thiết nghĩ, người dân sống được thì mình cũng công tác được,” bác sỹ Thu cười.
“Trước khi lên vùng cao, em cũng nghe nói nhiều khó khăn sẽ chờ đợi trước mắt, những em thiết nghĩ, người dân sống được thì mình cũng công tác được,” bác sỹ Thu cười.
Lúc chưa đi tình nguyện Thu cũng đã lên Hà Quảng. Đường đi từ Hà Nội lên Hà Quảng xa và có khó khăn nhưng vẫn không bằng quãng đường đường đi về các thôn bản.
Thu kể, ngay những ngày đầu khi nhận công tác, có dịp đi đón bệnh nhân vào các bản xa mới cảm nhận được phần nào đó điều kiện giao thông với người dân ở các huyện vùng núi còn quá nhiều khó khăn. Có những bệnh nhân người nhà phải dùng cáng khiêng qua một quả đồi mới đến được nơi ôtô cứu thương đỗ.
Em mong muốn có nhiều bác sỹ trẻ như em đi tình nguyện và bản thân các bác sỹ tại vùng khó khăn được tạo điều kiện đi học, bệnh viện được hỗ trợ thêm về kinh phí, thuốc men…
“Hai năm là quãng thời gian khá ngắn nhưng em nguyện hết sức mình để bệnh nhân không phải chuyển tuyến đi lại khó khăn, một số ca bệnh trong tình trạng nặng nguy kịch sẽ cứu chữa được kịp thời. Em mong muốn có nhiều bác sỹ trẻ như em đi tình nguyện và bản thân các bác sỹ tại vùng khó khăn được tạo điều kiện đi học, bệnh viện được hỗ trợ thêm về kinh phí, thuốc men…,” bác sỹ Thu tỏ lòng.
Bác sỹ Mã Văn Quý – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hà Quảng chia sẻ, từ ngày về công tác, cùng với các bác sỹ của bệnh viện, Nguyễn Thị Thu đã thực hiện được 43 kỹ thuật chuyên môn của tuyến huyện, trong đó chuyển giao cho các bác sỹ của bệnh viện 10 kỹ thuật như khám, chẩn đoán và điều trị hen phế quản, bệnh phù phổi cấp, bệnh suy tim, tăng huyết áp, xuất huyết tiêu hóa, xơ gan, đái tháo đường, bướu cổ, cường giáp, thalasemia…
TẠO TIỀN LỆ TRONG CHỮA BỆNH VIÊM MÀNG NÃO MỦ
Nhắc tới huyện Hoàng Su Phì, nhiều người sẽ nghĩ tới đây là một huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang, luôn nằm trong danh sách điểm đến lý tưởng của các phượt thủ nhờ vẻ đẹp hùng vĩ đến choáng ngợp, cung đường hiểm trở thu hút những tay lái ưa cảm giác mạnh, để khám phá bản làng và những thửa ruộng bậc thang hùng vĩ.
Đây cũng là nơi mà Bùi Thị Tặng (sinh năm 1990) – một bác sỹ chuyên khoa nội, bệnh truyền nhiễm – đã trở nên gần gũi với người dân của mảnh đất miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì.
Bác sỹ Lèng Thị Hương – Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hoàng Su Phì (Tỉnh Hà Giang) kể, từ khi bệnh viện tiếp nhận bác sỹ Bùi Thị Tặng từ dự án bác sỹ trẻ, nơi đây như được tiếp thêm một nguồn sức mạnh mới. Bởi với người dân, chỉ cần nghe thấy là bác sỹ từ Hà Nội, từ Trung ương về đây làm việc là tin tưởng và phấn khởi.
Bởi với người dân, chỉ cần nghe thấy là bác sỹ từ Hà Nội, từ Trung ương về đây làm việc là tin tưởng và phấn khởi.
“Tôi phải tìm và chờ bằng được để bác sỹ trẻ từ bệnh viện Trung ương mới khám cho tôi. Qua mấy tháng, giờ tôi chỉ tin tưởng vào bác sỹ Tặng thôi,” bác sỹ Hương dẫn chứng lời của một bệnh nhân khó tính mỗi lần tới viện khám.
Theo lời chị Hương, Tặng là bác sỹ trẻ, nhiệt tình khi về địa phương công tác. Hầu như ngày nào Tặng cũng làm việc đến 7 giờ tối mới về nhà. Đặc biệt, Tặng có chuyên môn khá vững về bệnh truyền nhiễm và đã xử lý tốt nhiều ca bệnh như viêm màng não tại cơ sở. Trước kia, những bệnh nhân nặng hay các loại bệnh mà bệnh viện chưa xử lý được sẽ phải chuyển về bệnh viện tỉnh với quãng đường đi khó khăn, phải mất tới 4-4,5 giờ đồng hồ, rất tốn kém và vất vả.
“Khi em tiếp nhận khám và chẩn đoán được bệnh nhân bị viêm màng não mủ, tiến hành theo dõi điều trị có diễn biến lâm sàng tốt hơn, đỡ sốt, đỡ đau đầu. Đợt điều trị kéo dài 12 ngày, bệnh nhân ổn định và được ra viện. Đây là bệnh nhân viêm màng não mủ được điều trị thành công đầu tiên ở đây, trước đó mọi người rất băn khoăn về phác đồ em đưa ra, điều trị với kháng sinh quá cao,” bác sỹ Tặng kể lại.
Sau lần đầu tiên ấy, công tác điều trị bệnh nhân viêm màng não tại viện đã trở thành thường quy và dễ dàng hơn.
Bác sỹ Tặng bày tỏ, bệnh viện hiện vẫn còn nhiều khó khăn về trang thiết bị, kỹ thuật xét nghiệm, thuốc điều trị. Vì vậy tuyến y tế cơ sở vùng cao này mong muốn được đầu tư hơn nữa bởi có những bệnh lý cần sự thay đổi khi bệnh nhân diễn biến thì không được đáp ứng đầy đủ.
Cho đến nay, 14 bác sỹ trẻ của Dự án thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn, ưu tiên 62 huyện nghèo (Dự án 585) đã lên công tác tại các huyện khó khăn của tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Bắc Kạn, Sơn La…
Chia tay tôi, các cô gái trẻ đều bảo rằng sẽ nỗ lực hơn nữa để có thể giúp được người dân nơi đây nhiều hơn để không phụ tấm lòng của người dân đã tin vào mình cũng như lời thề Hippocrates lúc nào cũng thường trực trong trái tim đầy khát vọng…/.
Đảm bảo y tế công bằng, chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng sâu, vùng xa. (Ảnh: TTXVN)
Hãy để lại bình luận