Biến khó khăn thành động lực
Là 1 trong 7 bác sĩ tình nguyện đầu tiên về công tác tại vùng cao, trong 2 năm công tác tại bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, bác sĩ Nguyễn Chiến Quyết cho biết, thời điểm ra trường năm 2014 cũng đúng dịp Bộ Y tế triển khai Dự án 585. Sau khi hỏi ý kiến người thân trong gia đình, chàng thanh niên trẻ ấy đã đăng ký tham gia dự án và lựa chọn cho mình con đường “lên núi” công tác. Sinh sống, làm việc tại đây, những khó khăn như môi trường làm việc, cơ sở vật chất thiếu thốn hơn so với bệnh viện tuyến trung ương, lượng bệnh nhân luôn đông đúc không ngăn được sức trẻ, tinh thần nhiệt huyết của bác sĩ Quyết.
Bác sĩ Nguyễn Chiến Quyết (phải) là người mổ chính của nhiều ca mổ ở bệnh viện |
Đến thời điểm này, Dự án 585 đã tổ chức khai giảng 14 khóa bác sĩ chuyên khoa cấp I với số lượng 332 bác sĩ cho 82 huyện nghèo của 23 tỉnh thuộc 11 chuyên khoa: Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Hồi sức cấp cứu, Gây mê hồi sức, Xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh, Y học cổ truyền, Truyền nhiễm và Răng hàm mặt. Dự án đã bàn giao 28 bác sĩ cho 18 huyện nghèo thuộc 10 tỉnh và chuẩn bị bàn giao các khóa tiếp theo. |
Với vai trò là bác sĩ chuyên khoa I, chuyên ngành ngoại khoa, kể từ khi công tác tại huyện Bắc Hà, bác sĩ Quyết đã tham gia gần 800 ca mổ, trong đó có một số ca mổ nặng như đa chấn thương, vỡ tạng, rau bong non; trực cấp cứu và hỗ trợ các bác sĩ chuyên khoa về hồi sức cấp cứu, sản khoa và nhi khoa. Nếu như trước đây, bệnh viện đa phần thực hiện kỹ thuật mổ truyền thống là mổ mở với vết thương dài, lâu bình phục thì đến nay nhờ chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên, cùng nỗ lực của bác sĩ Quyết và bác sĩ nơi đây, bệnh viện đã thực hiện một số kỹ thuật vượt tuyến mổ nội soi như cắt ruột thừa, phẫu thuật cắt túi mật, khâu lỗ thủng dạ dày.
“Điều làm mình ấn tượng và ấm lòng nhất chính là tình cảm thân thiện của bệnh nhân đối với bác sĩ. Mỗi người bệnh mình tiếp xúc đều có những hoàn cảnh khó khăn riêng, có những người bệnh thậm chí không biết tiếng Kinh nhưng họ thể hiện sự tôn trọng và quý mến y bác sĩ theo những cách rất riêng. Đó là những món quà giản dị nhưng đầy ý nghĩa như gói chè cốm, gói bánh hay túi gạo. Không nhận họ lại không ưng cái bụng, nên mình đành nhận rồi chuyển cho nhà bếp nấu cháo từ thiện” – Bác sĩ Chiến chia sẻ.
Những tình cảm mộc mạc ấy giúp các bác sĩ trẻ lên non vơi bớt nỗi nhọc nhằn, khó khăn. Với bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Hiếu, tình nguyện công tác tại Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé, Điện Biên cũng vậy. Với ngọn lửa nhiệt tình, tâm huyết và tinh thần tình nguyện cống hiến của tuổi trẻ, tháng 8.2017, Hiếu đã tình nguyện nhận nhiệm vụ ở địa bàn khó khăn của tỉnh Ðiện Biên.
Mường Nhé là huyện nghèo, khó khăn, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đa dạng về ngôn ngữ, phong tục nên bác sĩ Hiếu phải tự học hỏi, thích nghi để hiểu và có thể giao tiếp với bà con. Trong khi đó, Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé còn thiếu về nhân lực nên bác sĩ luôn cố gắng làm việc cả nội khoa, nhi khoa, sơ sinh, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm… Ðể làm được những việc đó, Hiếu đều phải học tập, nghiên cứu và sử dụng thành thạo các loại máy móc, thiết bị kỹ thuật, nhằm phục vụ tốt hơn nữa công tác chẩn đoán, điều trị. Những vất vả, khó khăn đã giúp vị bác sĩ trẻ rèn luyện, trưởng thành trong công việc và luôn dốc sức cứu chữa bệnh nhân.
Đến nay, bác sỹ Hiếu đã thực hiện thành công hơn 700 ca mổ như mổ lấy thai, phẫu thuật cấp cứu chửa ngoài tử cung, cắt tử cung toàn phần. Trong đó, nhiều ca bệnh nặng như nhiễm khuẩn, sốc phản vệ, viêm não, viêm màng não mủ, viêm phổi nặng, suy hô hấp, uốn ván sơ sinh, co giật trẻ em, chấn thương sọ não, tai biến, suy gan, suy thận… Ngoài ra bác sĩ còn hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho các đồng nghiệp tại đơn vị công tác, trực tiếp tham gia phòng chống dịch bệnh tại cơ sở.
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé, Điện Biên Toán Bình Việt nhận định, bác sĩ Hiếu là bác sĩ trẻ có nhiều sáng kiến trong khám, chữa bệnh; giao tiếp tốt với người bệnh và tận tình trong công việc. Nhờ vậy, luôn nhận được sự tin yêu của đồng nghiệp và sự tin tưởng, yêu quý của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân; từng bước giúp trung tâm tạo dựng niềm tin nơi người bệnh. Mới đây, bác sĩ Hiếu còn viết đơn xin tình nguyện được làm việc thêm 6 tháng nữa tại bệnh viện, để tiếp tục chữa bệnh cho người dân nơi đây.
Bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Hiếu khám bệnh cho trẻ em tại Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé |
Sẽ ưu tiên đào tạo tại chỗ
Đánh giá về ý nghĩa của Dự án 585, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, dự án là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ở địa phương còn khó khăn. Triển khai tốt dự án này còn tạo điều kiện để các thầy thuốc trẻ có cơ hội cống hiến sức lực, trí tuệ, phát huy tính xung kích, tình nguyện góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, Giám đốc dự án 585 Phạm Văn Tác cho biết, sau một thời gian thực hiện, Dự án được người dân và cơ sở y tế đánh giá cao về chất lượng của bác sĩ đào tạo. Theo đó, để bảo đảm cho những bác sĩ trẻ như Nguyễn Chiến Quyết, Nguyễn Văn Hiếu có thể tự tin “độc lập tác chiến” ở vùng sâu, vùng xa, công tác đào tạo được xây dựng riêng theo hướng “cầm tay chỉ việc” và “một kèm một”. Mỗi học viên được một giáo sư, chuyên gia đầu ngành kèm cặp, “huấn luyện” trong hai năm, nhằm tạo ra các bác sĩ trẻ giỏi tay nghề có thể “lên non” phục vụ người dân nơi đây.
Đến nay, nhìn chung, các bác sỹ đã thực hiện tốt các kỹ thuật theo chương trình đào tạo, hỗ trợ và thực hiện các kỹ thuật chuyên khoa khác mà bệnh viện tuyến huyện chưa triển khai do thiếu nhân lực, chuyển giao kỹ thuật; đồng thời tham gia tập huấn, truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho đồng nghiệp tại huyện nghèo, qua đó nhiều người bệnh được cứu sống hoặc không phải chuyển tuyến. Các bác sĩ lên huyện vùng cao công tác có người làm được 50 kỹ thuật, thậm chí 70 kỹ thuật thuộc các lĩnh vực ngoại khoa, chẩn đoán hình ảnh…
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai Nguyễn Kim Phương nhận định, các bác sĩ có trình độ chuyên khoa sâu được tăng cường đã giúp điều trị ngay tại tuyến dưới nhiều bệnh với chuyên môn kỹ thuật cao như phẫu thuật xương, ổ bụng, tạng, nhi khoa… trong khi trước đây người bệnh phải chuyển lên tuyến trên. Mặc dù vậy, đây là trước mắt, sau 3 năm hết thời hạn, các bác sĩ lại trở về các bệnh viện đầu ngành Bạch Mai, Hữu Nghị, Việt Ðức… Ðể đạt hiệu quả hơn nữa, rất mong các bệnh viện Trung ương tiếp tục đào tạo bác sĩ tại chỗ để phục vụ lâu dài, nhất là về chuyên khoa tai mũi họng, gây mê hồi sức, ngoại sản. Hiện tại, ở các huyện vùng cao tỷ lệ bác sĩ trong lĩnh vực này vẫn còn thấp, chưa đủ đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
Đồng tình với quan điểm đó, Giám đốc Sở Y tế Hà Giang Lương Viết Thuần cho rằng, nếu như đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác thì chỉ 2 – 3 năm, các bác sĩ quay trở về Trung ương thì Mèo Vạc vẫn là Mèo Vạc, Hoàng Su Phì vẫn là Hoàng Su Phì, vì vậy, rất mong muốn Dự án hướng tới các bác sĩ ngay tại địa phương, để đầu tư bền vững hơn, vì họ đang sinh sống và làm việc ngay tại địa phương, có thể gắn bó lâu dài với bệnh viện.
Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế Phạm Văn Tác khẳng định, đến năm 2020 dự án sẽ kết thúc, cho nên phải tìm nguồn lực khác để hỗ trợ. Biện pháp lâu dài vẫn là lấy người cơ sở làm gốc. Trước những đề xuất trên của tuyến y tế cơ sở về xét tuyển ưu tiên đối tượng liên thông tại các vùng sâu, vùng xa, Bộ Y tế sẽ xem xét sửa đổi đối với các đối tượng là người của địa phương có nguyện vọng, đủ sức học tập và đây sẽ là ưu tiên quan trọng.
Hãy để lại bình luận