Làm bác sĩ đã khó, làm bác sĩ Sản lại càng khó”. Đó là lời thầy hướng dẫn luôn nhắc tôi từ khi tôi mới biết đến chuyên ngành
Sản. Thật vậy, sau hơn 1 năm kể từ ngày tôi tình nguyện lên nhận công tác tại Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Lạc tỉnh Cao Bằng – 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước, tham gia theo dõi, đỡ đẻ, xử trí khoảng 600 ca đẻ thường, tham gia và trực tiếp mổ đón hơn 200 em bé, càng học, càng làm việc, tôi lại càng thấy điều đó đúng đắn.
Bác sỹ Dương Mạnh Huy, viên chức Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tình nguyện công tác tại Trung tâm Y tế Bảo Lạc, Cao Bằng
Những ngày đầu mới lên công tác, tôi thật sự sợ, gần như tôi không ngủ được. Bệnh viện ở đây thật sự quá khó khăn, thiếu thốn rất nhiều: các loại thuốc tăng co, thuốc giữ thai, máy mornitoring sản khoa thì hỏng, máy siêu âm tại khoa không có… bệnh nhân thì thường nặng không tự điều trị được, hoặc không đẻ được tại nhà mới đến viện. Giống như ngày đầu tiên tôi đến nhận công tác, có một bệnh nhân thai 9 tháng đẻ ở nhà không được nên vào viện. Bệnh nhân được chuyển thẳng vào phòng đẻ, khi được hỏi bệnh nhân hiện mang thai là con thứ mấy, bệnh nhân giơ 2 ngón tay. Tôi và hộ sinh Huệ nhanh chóng chuẩn bị đồ để đỡ đẻ lần 2 vì cổ tử cung sản phụ đã mở hết. Một lát sau, bệnh nhân đẻ ra một bé gái khóc tốt, nhưng lạ thay là bụng bệnh nhân vẫn còn rất to. Tôi liền khám lại trong khi hộ sinh Huệ đang chăm sóc em bé. Tôi thốt lên: “cô Huệ ơi còn một thai nữa”. Vậy là thay vì đỡ đẻ thường lần 2, ca này lại thành ra đỡ đẻ song thai. Thật may là tôi kịp cố định ngôi thai thứ hai trước khi thai xoay, nên sau đó bệnh nhân có thể đẻ thường tiếp thai thứ hai mà không cần phải mổ. Chỉ sau khi bệnh nhân ổn định về phòng tôi mới thật sự thở phào. Đó là ca song thai đầu tiên tôi tự đỡ cũng là ca đầu tiên của tôi tại Bệnh viện Bảo Lạc, cảm xúc lúc đó thật khó tả.
Vượt qua những khó khăn về ngôn ngữ (vì ở đây phần lớn đồng bào nói tiếng Tày, Dao, Mông…), những khó khăn về trang thiết bị, thuốc, khi mọi việc dần như đi vào quỹ đạo. Bệnh nhân không quá đông, nên thay vì đọc sách, cập nhật kiến thức thì tôi tự cho phép mình tìm hiểu phong tục tập quán tại Bảo Lạc. Việc đó kéo dài khoảng hơn một tháng thì bỗng đâu xuất hiện hai ca bệnh nhân nặng liên tiếp. Những ca đó như nhắc tôi rằng tôi là bác sĩ sản. Nếu tôi ngừng học thì bệnh nhân của tôi có thể bị cướp đi, không chỉ một mà đôi khi là hai sinh mạng cùng lúc.
Ca đầu tiên là một bệnh nhân 23 tuổi mang thai 31 tuần, đau đầu nhiều vào viện. Bệnh nhân kể đã vào bệnh viện huyện bên cạnh điều trị tăng huyết áp cách hơn 1 tháng. Khi ra viện, bệnh nhân được dặn là về nhà nếu đau đầu thì đến thẳng Bệnh viện Bảo Lạc vì bệnh viện họ hiện chưa phẫu thuật được. Đợt này bệnh nhân đau đầu một tuần nay, người mệt mỏi nhiều nên vào viện. Tôi trực tiếp thăm khám, đánh giá sơ bộ đây là một bệnh nhân tiền sản giật nặng: HA 160/100 mmHg, phù, đau đầu. Siêu âm sơ bộ thấy trong bụng có một thai ngôi ngược nặng tầm 1.100g ± 200g. Khám thì bệnh nhân đau bụng nhưng chưa rõ cơn co, cổ tử cung đóng, tim thai nghe rõ. Tôi chỉ định ngay tiêm thuốc hỗ trợ trưởng thành phổi cho em bé, thuốc hạ áp, bàn giao lại tua trực dặn kỹ khi nào có kết quả xét nghiệm thì báo bác sĩ trực xem. Cả đêm tôi cứ thấp thỏm đợi xem có điện thoại của bác sĩ trực gọi. Nhưng không ai gọi nên tôi nghĩ chắc bệnh nhân bị nhẹ. Sáng hôm sau bệnh nhân đau bụng nhiều tôi khám thì thấy cổ tử cung mở 3cm, ối căng phồng. Tiên lượng không giữ thêm được. Xem xét nghiệm tôi mới giật mình: men gan tăng cao, tiểu cầu giảm thấp còn có 47, protein niệu > 3g. Một ý nghĩ trong đầu chợt nảy lên: Hội chứng HELLP. Tôi kiểm tra lại nhanh thì đúng thật, chính là HELLP, giật mình hơn khi nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ bệnh nhân tử vong khi mắc HELLP lên tới > 25%. Hội chẩn nhanh toàn viện đều thống nhất chẩn đoán: Chuyển dạ con so thai 31 tuần – ngôi ngược – hội chứng HELLP. Giờ là lúc khó khăn khi phải quyết định chuyển viện tỉnh hay mổ tại viện. Nhiều người nêu ý kiến nên chuyển tỉnh, nhưng tôi lại sợ thời gian chuyển tỉnh 4 tiếng. Nếu trên đường chuyển bệnh nhân lên cơn sản giật, hoặc ối vỡ thai nhỏ chuyển dạ hay băng huyết trên đường thì nguy cơ cao sẽ tử vong trên đường. Sau khi Giám đốc hội chẩn với bác sĩ Trưởng khoa Sản bệnh viện đa khoa tỉnh đã đồng ý quyết định mổ tại viện. Tôi gấp rút sang mời bác sĩ Trưởng khoa Nhi lên hỗ trợ kíp mổ. Đây cũng là lần đầu tiên có bác sĩ nhi lên phòng mổ hỗ trợ đón bé. Ca mổ diễn ra khẩn trương đón ra một bé gái nặng 1.100 gram. Được chuyển cho bác sĩ nhi hồi sức chuyển lồng ấp. Thật kỳ diệu khi sau mổ mẹ em bé ngày càng khỏe hơn, xét nghiệm ổn dần lên. Sau 01 tuần mẹ được ra viện, em bé thì điều trị nhi 3 tuần sau lên được 1600g thì xuất viện. Năm tháng sau tôi được gọi sang khoa nhi để gặp lại em bé đi khám vì ho nhiều. Em bé tuy vẫn hơi còi nhưng thật cứng cáp. Ngày hôm đó tôi cứ tự cười một mình suốt. Ca thứ hai là một bênh nhân 30 tuổi, có một con mổ đẻ cách 6 năm. Mong con 2 năm nay, bệnh nhân được siêu âm có thai 6 tuần cách 2 tuần, nay đau bụng ra máu nhiều từ sáng nên vào viện. Bệnh nhân được đi siêu âm với kết quả theo dõi thai lưu 8 tuần. Nhìn hình ảnh siêu âm tôi thấy nghi ngờ, nên siêu âm lại ở khoa Sản. Khi siêu âm, tôi cảm thấy phần cổ tử cung to hơn bình thường nên mới gọi video nhờ thầy dưới Bệnh viện Phụ sản Trung ương kiểm tra giúp. Thầy nói máy em hỏng siêu âm doppler nhưng hình ảnh cổ tử cung to thế nên không thể loại trừ được chửa trên sẹo mổ lấy thai cũ đâu. Tại bệnh viện huyện lại không có xét nghiệm beta – hCG (xét nghiệm nồng độ thai nghén) nên với ca này thật sự khó chẩn đoán. Vì cùng với nhau cài răng lược thì chửa trên sẹo mổ lấy thai cũ là hai tai biến sản khoa nặng nề nhất do mổ lấy thai. Khi chửa trên sẹo mổ cũ khi thai to mà sẩy ra sẽ làm cho máu bệnh nhân chảy và không thể cầm máu, khi đó nguy cơ cao phải cắt tử cung để cứu mẹ. Mà bệnh nhân này thì lại chưa đủ con. Ngay khi có kết quả xét nghiệm máu thấy bệnh nhân thiếu máu, tôi mời chồng bệnh nhân sang giải thích tình trạng bệnh và các nguy cơ có thể gặp ở bệnh nhân. Có hai hướng hoặc là chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện đa khoa tỉnh, chấp nhận nguy cơ có tỷ lệ khối chửa sẩy trên đường, hoặc hút khối chửa ở đây. Nếu là thai lưu thì may coi như xong, nhưng nếu là chửa trên sẹo mổ cũ thì có nhiều nguy cơ phải cắt tử cung thậm chí tử vong. Chồng bệnh nhân không quyết định được nên về bàn bạc với vợ. Một lát sau, sốt ruột tôi chạy sang thì thấy chồng bệnh nhân ngồi trên giường. Tôi hỏi vợ đâu, bệnh nhân trả lời là đang đi vệ sinh. Linh tính nhắc tôi bảo chồng bệnh nhân vào kiểm tra không nhỡ bệnh nhân bị sao trong đó và đúng là bệnh nhân ngất trong đó thật. Ngay lập tức cả khoa được huy động cấp cứu bệnh nhân. Người bệnh nhân trắng bệnh, còn thở nhưng mạch với huyết áp khó nghe. Ra y lệnh cắm hai đường truyền, tôi gọi ngay bác sĩ gây mê sang hỗ trợ hồi sức bệnh nhân, đồng thời đưa lên bàn khám kiểm tra. Vừa đặt mỏ vịt vào tôi đã thấy máu bệnh nhân từ tử cung chảy ra ào ào. Tôi lạnh toát người khi nhớ đến trước tôi có phụ một ca cắt gan khi panh kẹp động mạch bị tuột máu cũng chảy y như vậy. Bác sĩ gây mê hỏi bệnh nhân làm sao. Tôi trả lời ngay bệnh nhân chửa trên sẹo mổ lấy thai cũ băng huyết: “Vậy chuyển lên phòng mổ cắt tử cung đi”. Một phần trong tôi phản đối điều đó vì: Thời gian nhanh nhất từ bây giờ đến khi chuyển đến phòng mổ đến khi rạch được da bệnh nhân là 15 phút. Bệnh nhân mổ cũ giờ nếu mổ mà dính quá, khó vào ổ bụng thì tính sao, mổ gấp rút sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương ruột, bàng quang. Bao lâu sau rạch da mình có thể lấy khối chửa hoặc cắt tử cung xong. Tổng thời gian đó máu vẫn chảy thì sẽ không cứu kịp mất nhất là bệnh nhân còn mong có con tiếp. Bệnh viện không có nguồn máu dự trữ không thể có máu truyền ngay được… Hội chẩn nhanh với thầy hướng dẫn, thầy nói: “Em phải cầm máu ngay càng sớm càng tốt. Nếu đang chảy thì em hút khối chửa đi rồi kẹp kéo hoặc đặt bóng”. Hút khối chửa sẹo mổ lấy thai cũ là một kỹ thuật khó chưa được phép thực hiện tại tuyến huyện. Ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cũng chỉ có các bác sĩ kỳ cựu mới được phép làm. Cuối cùng tôi quyết định hút khối chửa song song với bác sĩ gây mê đang hồi sức bệnh nhân. Sau đó tôi kẹp kéo cổ tử cung. Thật may là máu ngừng chảy và bệnh nhân cũng tỉnh dần. Ngày hôm sau bệnh nhân ổn định tôi đặt bóng cầm máu và cùng chuyển bệnh nhân ra bệnh viện tỉnh. Sau đó bệnh nhân được chuyển ngay xuống Bệnh viện Phụ sản Trung ương hút lại khối chửa thất bại, chuyển Bệnh viện Việt Đức nút mạch, sau đó vẫn thất bại, cuối cùng được bác sĩ Quyết – Giám đốc mổ nội soi lấy khối chửa, bệnh nhân mới có thể ổn định ra viện. Đến hôm tết bệnh nhân qua viện cảm ơn, tặng tôi một cặp bánh chưng. Nghĩ lại hôm đó nhiều lúc tôi vẫn thấy rùng mình và tự nhủ thật may mắn.
Sau hai ca đó, tôi luôn tự nhủ phải luôn chuẩn bị tối đa trước mỗi bệnh nhân. Làm bác sĩ sản vùng cao tôi không chỉ làm về sản. Ở tuyến huyện thiếu bác sĩ, tôi phải điều trị cấp cứu cả những bệnh nhân ngộ độc, hay tai nạn giao thông hay cả những bệnh truyền nhiễm, điều trị cả nhi và nội. Rồi còn tham gia phẫu thuật ngoại, mổ chấn thương bụng kín, ruột thừa… Thật may mắn cho tôi là lúc nào bên cạnh tôi cũng có các bác sĩ đồng nghiệp và các thầy cô tại các bệnh viện tuyến trung ương hỗ trợ trực tuyến bất cứ ngày hay đêm.
“Làm bác sĩ đã khó, làm bác sĩ sản lại càng khó, làm bác sĩ sản tại vùng cao lại càng càng khó”. Đó là câu tôi nhất định sẽ nói với thầy hướng dẫn khi tôi gặp thầy.
Bảo Lạc, tháng 01/2019
Hãy để lại bình luận