Bộ Y tế đang triển khai Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, ưu tiên 62 huyện nghèo”.
Bên cạnh việc tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế tốt hơn, dự án còn giúp các thầy thuốc trẻ có cơ hội cống hiến sức lực và trí tuệ, phát huy tính xung kích, tình nguyện góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
16 giờ, vừa đặt chân đến Mù Cang Chải, sau quãng đường khoảng 300 km đi bằng ô-tô từ Hà Nội lên, bác sĩ Phạm Mạnh Toàn nhận được đề nghị từ lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) tham gia ca mổ cấp cứu cho một người bệnh có thai ngoài tử cung.
Sau gần ba giờ, ca mổ thành công, bác sĩ Phạm Mạnh Toàn không giấu nổi niềm vui, chia sẻ với chúng tôi: “Khi nhận được đề nghị của lãnh đạo bệnh viện, dù bản thân còn rất mệt sau một quãng đường dài, nhưng trước tính mạng của người bệnh tôi không một phút đắn đo, uống vội cốc nước rồi thay quần áo để kịp tham gia mổ. Tuy lần đầu tiên tham gia ca mổ tại bệnh viện tuyến huyện nhưng được sự hỗ trợ tận tình và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đồng nghiệp, ca mổ đã thành công. Điều làm tôi vui nhất lúc này là bản thân thấy tự tin hơn rất nhiều. Biết rằng phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự giúp đỡ của đồng nghiệp tôi sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao, cũng như đáp ứng kỳ vọng của mọi người trước khi đến với mảnh đất này.
Khi được hỏi, vì sao đang công tác tại Bệnh viện Sản -Nhi tỉnh Ninh Bình, có điều kiện làm việc tốt hơn, lại đăng ký về công tác ở Bệnh viện Đa khoa Mù Cang Chải, bác sĩ Phạm Mạnh Toàn cho biết: Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã tham gia các chuyến đi tình nguyện đến khám bệnh cho người dân ở vùng sâu, vùng xa. Thông qua những chuyến đi như thế, tôi tận mắt thấy các dịch vụ y tế cung cấp cho người dân ở những nơi này còn thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của cả nước.
Vì vậy, với nhiệt huyết của tuổi trẻ tôi mong muốn được mang những kiến thức của mình chăm sóc sức khỏe cho người dân tại các vùng sâu, vùng xa, giúp họ thụ hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng hơn. Qua đó, bản thân tôi có thêm nhiều trải nghiệm về cuộc sống và là hành trang để mình tự tin hơn trong cuộc sống sau này.
Giữa núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, ánh lửa trại bừng sáng cả một góc trời, những bàn tay nắm chặt vào nhau, bước chân nhảy theo từng nốt nhạc. Đó là hình ảnh của đêm hội trại trước lễ ra quân “Đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, ưu tiên 62 huyện nghèo” do Bộ Y tế tổ chức tại tỉnh Yên Bái.
Bác sĩ trẻ Cao Thị Hồng Yến (Gia Lâm, Hà Nội) là nữ bác sĩ duy nhất trong đợt ra quân lần đầu này, cô gái Hà Nội không ngần ngại chia sẻ: Điều đầu tiên là em muốn cống hiến sức trẻ của mình, mang những kiến thức đã học cùng với nhiệt huyết đóng góp một phần công sức nhỏ bé để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân vùng cao.
Sau lễ ra quân, bác sĩ Yến về công tác tại Bệnh viện huyện Mường Khương, một địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác y tế của tỉnh Lào Cai. Vẫn biết rằng, phía trước không chỉ riêng Yến mà còn các bác sĩ trẻ khác cùng đi trong đợt này sẽ phải đối mặt với nhiều bỡ ngỡ, khó khăn, thiếu thốn. Nhưng các bác sĩ trẻ tin rằng, với ngọn lửa đam mê trong trái tim mình, sự yêu thương, đùm bọc, sự chỉ bảo ân cần của những thế hệ đi trước và người dân nơi công tác sẽ giúp họ vượt qua những điều đó để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Khác với Cao Thị Hồng Yến, bác sĩ trẻ Lường Văn Mười (dân tộc Thái) tỏ ra tự tin hơn nhiều. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Điện Biên anh hùng, bản thân là người dân tộc thiểu số, anh luôn thấu hiểu được những khó khăn, thiếu thốn của đồng bào mình, nhất là trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế. Do vậy khi biết có dự án, Mười đăng ký tham gia ngay. Thật may, Mười lại được phân công về làm việc tại huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên) chính là quê hương của mình. “Không phải mất thời gian làm quen với phong tục, tập quán của người dân địa phương, cũng như thiếu thốn tình cảm khi xa gia đình, điều tâm niệm của tôi lúc này, khi bước vào công việc là luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao và mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của đồng nghiệp” – Mười chia sẻ.
Từ năm 2013, Bộ Y tế triển khai Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, ưu tiên 62 huyện nghèo”, nhằm cung cấp nguồn nhân lực y tế là bác sĩ cho miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có điều kiện kinh tế -xã hội đặc biệt khó khăn. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để đội ngũ bác sĩ mới ra trường vận dụng kiến thức đã được học vào thực tế; xây dựng mô hình để các địa phương xây dựng chế độ, chính sách nhằm vận động đội ngũ bác sĩ trẻ tình nguyện về địa phương mình công tác. Qua đó, góp phần giảm tải công tác khám, chữa bệnh của người dân ở tuyến trên, giúp tuyến dưới hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
Đối tượng tham gia dự án là các bác sĩ tốt nghiệp chính quy loại khá, giỏi, bác sĩ nội trú tại các trường đại học Y, hoặc chuyên khoa cấp I, thạc sĩ trở lên… Các bác sĩ trẻ sẽ tham gia tình nguyện, với thời gian ba năm đối với nam và hai năm đối với nữ. Dự án được triển khai tại 20 tỉnh có huyện nghèo, với số lượng dự kiến khoảng 500 bác sĩ trẻ tình nguyện tham gia. Vạn sự khởi đầu nan, hy vọng với sự tham gia tích cực của các bác sĩ trẻ, dự án sẽ hoàn thành được các mục tiêu đề ra.
Các bác sĩ trẻ tham gia dự án, xung phong về các huyện nghèo, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng nhiều quyền lợi như: được xét tuyển vào làm việc ở một trong các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, được đào tạo chuyên khoa I; sau thời gian đào tạo, sẽ được ưu tiên xét cấp chứng chỉ hành nghề; những bác sĩ trẻ này sẽ trở thành nguồn cán bộ được đào tạo về chuyên khoa sâu hoặc đào tạo về quản lý y tế…
(Nguồn Trung Tuyến – báo Nhân Dân điện tử)
Hãy để lại bình luận