Họ là những sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi ở các trường đại học y – dược, tình nguyện tham gia dự án Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (Dự án 585).
Nguồn http://nhandan.com.vn/y-te/tin-tuc/item/38777902-bac-si-tre-len-non.html
Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật nội soi ruột thừa tại Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà (Lào Cai).
Với sự tận tâm, nhiệt huyết và trình độ chuyên môn tốt của các bác sĩ trẻ, người dân vùng cao được thụ hưởng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao ngay tại nơi mình sinh sống…
Ca phẫu thuật trong đêm
Càng về khuya, gió thổi từng cơn, mang theo hơi lạnh của mùa đông, khiến khuôn viên Bệnh viện đa khoa huyện vùng cao Bắc Hà (Lào Cai) càng thêm vắng lặng. Ðột nhiên một nhân viên y tế gấp gáp thông báo có ca ruột thừa cấp cần mổ gấp. Trong chốc lát, người bệnh được đưa vào Khoa ngoại để các bác sĩ thăm khám. Trên giường bệnh, người phụ nữ ôm chặt bụng, co quắp. Ðó là bà Sùng Thị Pla, 59 tuổi, được người nhà chuyển đến với những cơn đau liên tiếp. Sau khoảng nửa giờ đồng hồ khám, hội chẩn và làm các thủ tục, hai giờ đêm, người bệnh được đưa vào phòng mổ.
Hành lang dẫn vào phòng mổ dài hun hút, phòng rộng chừng 20 m2 khá sạch sẽ, ở giữa phòng là chiếc bàn mổ mà bà Sùng Thị Pla đã được nhân viên y tế đưa vào nằm, chiếc máy nội soi đã được đưa ra sẵn sàng. 5 phút sau, công tác chuẩn bị bông, băng, gạc, nước sát trùng đã hoàn tất. Người bác sĩ trẻ thoăn thoắt thực hiện các thao tác mổ nội soi khá thuần thục và nhịp nhàng cùng những người phụ mổ. Căn phòng im ắng, chỉ có tiếng kêu bíp bíp của máy đếm nhịp tim, tiếng dụng cụ lạch cạch. Thỉnh thoảng vang lên vài câu mệnh lệnh: “bông’’, “băng”, “đã đến đích chưa”? “cắt nhé.” Hơn 40 phút sau, ca mổ kết thúc. Người bác sĩ trẻ rời phòng mổ với những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, gương mặt rạng ngời vì vừa hoàn thành nhiệm vụ.
Bác sỹ CK1 Nguyễn Chiến Quyết tiến hành mổ phiên cho bệnh nhân
Vừa cởi “đồ nghề”, ngồi lại ở phòng trực cấp cứu, bác sĩ Nguyễn Chiến Quyết chia sẻ: Em từ Bệnh viện Bạch Mai chuyển lên đây công tác đã được gần năm rưỡi theo Dự án 585. Ban đầu cũng phải đối mặt nhiều khó khăn như môi trường làm việc khác, cơ sở vật chất thiếu thốn so với bệnh viện tuyến Trung ương, lượng bệnh nhân lúc nào cũng đông. Ði lại vất vả, có đoạn đường đèo quanh co, xe đi trong mây mà cứ ngỡ như là sương buổi sáng mặc dù đã sắp giữa trưa. Nhưng bù lại, vui anh à, có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Người bệnh phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, cho nên họ sống rất chân thật và nghĩa tình, đôi khi cảm ơn bác sĩ bằng hoa quả, gạo nếp. Không nhận thì họ không “ưng cái bụng”, cho nên đành nhận, rồi em chuyển cho nhà bếp để nấu cháo từ thiện cho các bệnh nhân nghèo.
Quyết nhớ lại: Thời điểm em mới ra trường (năm 2014) cũng đúng dịp Bộ Y tế triển khai Dự án 585. Sau khi hỏi ý kiến người thân trong gia đình, em đã đăng ký tham gia dự án và lựa chọn cho mình con đường “lên núi” công tác trong ba năm. Sinh sống, làm việc tại đây, cùng những chuyến đi đã giúp Quyết hiểu thêm về vùng đất mới xa xôi và tình người nơi đây. Thời gian trôi qua thật nhanh, nhịp độ công việc cuốn theo và đến giờ đất, con người Lào Cai dường như đã là một phần không thể thiếu trong tâm thức người bác sĩ trẻ.
Ðâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên
Ðồng tình với quan điểm nêu trên, Tiến sĩ Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), Giám đốc Dự án 585 cho rằng, để bảo đảm cho những bác sĩ trẻ như Quyết có thể tự tin “độc lập tác chiến” ở vùng sâu, vùng xa, công tác đào tạo được xây dựng riêng theo hướng “cầm tay chỉ việc” và “một kèm một.” Mỗi học viên được một giáo sư, chuyên gia đầu ngành kèm cặp, “huấn luyện” trong hai năm. Chúng tôi đã có một sự “nhào nặn” chuyên nghiệp nhằm tạo ra các bác sĩ trẻ giỏi tay nghề có thể “lên non” phục vụ người dân ở đây. Hiện Dự án 585 đã, đang đào tạo được 332 bác sĩ trẻ, trong đó đã bàn giao 14 bác sĩ về làm việc tại các huyện khó khăn… Các bác sĩ lên huyện vùng cao công tác đang phát huy rất tốt, có người làm được 50 thậm chí 70 kỹ thuật thuộc các lĩnh vực ngoại khoa, chẩn đoán hình ảnh…
TS. Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ kiểm tra hoạt động của bác sỹ trẻ tại Bắc Hà
Bác sĩ Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà đánh giá, các bác sĩ có trình độ chuyên khoa sâu được tăng cường đã giúp điều trị ngay tại tuyến dưới nhiều bệnh với chuyên môn kỹ thuật cao như: phẫu thuật xương, ổ bụng, tạng, nhi khoa…, trong khi trước đây người bệnh phải chuyển lên tuyến trên. Do vậy, người dân rất phấn khởi. Mặc dù vậy, bác sĩ Phương cũng có băn khoăn: Ðây là trước mắt, sau ba năm hết thời hạn, các bác sĩ lại trở về các bệnh viện đầu ngành: Bạch Mai, Hữu Nghị, Việt Ðức… Ðể đạt hiệu quả hơn nữa, chúng tôi rất mong các bệnh viện Trung ương tiếp tục đào tạo bác sĩ tại chỗ để phục vụ lâu dài, nhất là về chuyên khoa tai mũi họng, gây mê hồi sức, ngoại sản. Hiện tại, ở các huyện vùng cao tỷ lệ bác sĩ vẫn còn thấp, chưa đủ đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn…
Và từ thực tế cụ thể ở từng địa phương mới thấy ở những huyện miền núi nghèo, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số luôn mong mỏi nhiều bác sĩ trẻ có tay nghề, chuyên môn vững ở lại để chăm sóc sức khỏe cho người dân. Những người trẻ với tài năng, nhiệt huyết cùng tinh thần “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” đã trở thành “cầu nối” giúp thu hẹp dần các khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi.
Bài và ảnh: ANH ĐỖ
Hãy để lại bình luận