Bác sỹ trẻ 585 tại tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh

Bác sỹ Dương Minh Tuấn, chuyên khoa Nội là viên chức bệnh viện Bạch Mai hiện đang tình nguyện công tác tại Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình theo nội dung Dự án “Thí điểm bác sỹ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn” từ tháng 3/2020. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bác sỹ Tuấn đã tình nguyện đăng ký và lên đường chi viện cho thành phố Hồ Chí Minh theo sự điều động của Sở Y tế tỉnh Quảng Bình tại khu thu dung tập chung dã chiến tại Quận 10.

Dưới đây là ký sự ghi lại một ngày làm việc của bác sỹ Tuấn tại tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh

BS. Dương Minh Tuấn- Dự án 585 tại tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh

7h sáng,

Mình thay đồ bảo hộ và bắt đầu đi buồng nhận trực. Phòng cấp cứu lúc nào cũng hoạt động hết công suất, cảm giác giống như lần mình chờ sân bay ở bên Mỹ, cứ chuyến bay này vừa cất cánh thì chuyến bay khác lại thế chỗ vào, liên tục, liên tục. Nhiều khi đồng nghiệp mình không còn ý niệm về thời gian khi ở trong này nữa, chỉ biết là đấy, có bác sĩ mới đến nhận trực là đã 7 giờ sáng rồi.

7h45 sáng,

Mình vừa kết thúc hỏi bệnh nhân cuối cùng trong buồng – bà Xuyến.

Ông 79 tuổi rồi mà nhìn như thanh niên ba mấy, phơi phới. Vợ của ông là bà Xuyến đang nằm ở trên trại, hai vợ chồng cùng kết quả dương dính với Sars-Cov-2 và cùng vào đây ngày qua, nhưng tình trạng của ông nặng hơn nên ông được đưa thẳng vào phòng cấp cứu còn bà Xuyến được đưa về trại nghỉ ngơi theo dõi. Nói là nặng hơn thôi chứ ông đi lại cười nói khoẻ lắm, thi thoảng thấy hơi hụt hơi, spO2 tụt xuống dưới 93% chút thôi rồi nghỉ tí là lại bình thường. Nhưng tiếp xúc nhiều người bệnh, mình hiểu rằng cái bình thường ấy chẳng thể chủ quan được bao giờ. Y như rằng chỉ một giờ sau, ông Giàng đi vào suy hô hấp nặng hơn, thông khí nằm sấp, thở oxy qua mask đến 15 lít/phút không cải thiện, đành phải xử trí tiếp và chuyển ông lên viện tuyến trên ngay lúc đó.

10h sáng,

Sau khi hoàn thành thủ tục đón thêm 2 bệnh nhân cấp cứu, cho thở oxy, đưa y lệnh và yên tâm là mọi việc tạm ổn định, mình nhờ các chị điều dưỡng coi buồng giúp để tranh thủ ra kiếm gì ăn … sáng.

Tô hủ tiếu từ thiện được gởi vào từ sáng đã nguội lạnh, mà đói quá nên ăn bất chấp.

À đấy nãy kể chuyện ông Giàng mà quên mất bà Xuyến. Chuyện là ông Giàng được chuyển lên tuyến trên thì đến sáng sớm ra, khi đi đo sinh hiệu, điều dưỡng trên trại tình cờ phát hiện ra spO2 của bà bắt đầu tụt nên chuyển bà xuống cấp cứu. Bà vui tính, hay cười, lúc nào cũng luôn miệng: “Tui khoẻ re à, trước giờ có bịnh gì đâu? Cứ để yên đó tui tự đi, tự lo được à! Các anh chị cứ đi lo cho người bệnh khác mệt hơn đi kìa!”.

14h chiều,

Khu mình làm việc vốn là khu thu dung và phân loại bệnh, thuộc tầng 1 trong phân tầng điều trị. Vậy mà từ hồi dịch bùng ra, nó cũng chẳng khác gì khu điều trị và cấp cứu bệnh nhân Covid. Các viện dã chiến, viện điều trị và hồi sức đều quá tải, thành ra bệnh nhân lẽ ra đã được phân loại và chuyển đi hết, mà cuối cùng ở lại cả.

Mình đang hỏi và nhận bệnh ở khu ngoài, thấy tin nhắn của bé Lành:

“Ông Giàng lên tuyến trên mới qua đời rồi anh ạ! Diễn biến nhanh quá…”

Mình thở dài. Rồi tiếp tục quay lại công việc. Những nỗi buồn này rồi sẽ lại trở về lúc cuối ngày, khi hết việc.

15h10’ chiều,

Bà Xuyến bắt đầu suy hô hấp nặng hơn, bà kêu khó thở nhẹ thôi nhưng spO2 thì cứ tụt, và nhịp thở nhanh nông như cái máy may gõ nhịp. Bà cũng cần chuyển tuyến sớm.

  • Tui có qua cùng viện với ông Giàng không bác?
  • Dạ không hiện bên đó hết giường. Tụi con sẽ chuyển bà qua viện khác.
  • Vậy nếu bác sĩ có liên lạc được với chồng tui, đừng nói với ổng là tui phải đi cấp cứu nghen! Ổng biết tui vầy sẽ lo lắng lắm!.

Bà vẫn chưa biết tin ông đã mãi rời xa cõi tạm này rồi.

19h tối,

Sài Gòn đổ cơn mưa mát lành sau nhiều ngày oi bức, mình ngồi ghi hồ sơ bệnh án, chợt nhớ lại chuyện ghi trong nhật ký ngày qua khi đón vợ chồng ông bà.

“Bệnh nhân nam, 79 tuổi, tiền sử suy tim, tăng huyết áp. Vào viện vì mệt, spO2 86% khí phòng cải thiện lên 93% khi thở oxy 5 lít/phút, xét nghiệm PCR dương tính với Sars-Cov-2.

Tính chuyển ông đi mà có bà là vợ ông cũng dương tính theo vào chăm ông, tuyến trên lại chỉ nhận 1 người, sau một hồi giải thích thì bà đồng ý để ông đi.

Lúc sau thấy ông vẫy mình lại, khẩn thiết:

– Tôi cũng không thấy khó thở hay mệt gì nhiều, nếu bác sĩ thấy ổn hay cho tôi ở lại đây với vợ tôi đi!

Mình động viên:

– Ông yên tâm, con giải thích và bà đồng ý để ông lên tuyến trên rồi ạ!

Ánh mắt ông vẫn rất van nài, một lần nữa ông lại nói:

– Tôi nghiêm túc đấy! Bác cho tôi ở lại đi! Tôi sống với bà ý hơn nửa đời người rồi tôi hiểu chứ. Bà ý mà bảo cứ đi đi nghĩa là không đi được đâu bác. Tôi lo lắm!

– Dạ nhưng mà bà vẫn khoẻ mà ông? Ông cứ yên tâm ạ! – Mình tiếp tục động viên.

– Ôi không! Tôi lo cho tôi ý chứ! Qua đó khéo không chết vì cô vít thì đã đi vì cô vợ rồi bác ơi.

Đấy, bí quyết giữ gìn gia đình hạnh phúc đến 79 tuổi của bệnh nhân tôi đấy.”

 

Tin nhắn điện thoại lại vang lên, Lành lại nhắn tới, khéo giờ tôi phải đổi tên cho con bé thành Chẳng Lành quá.

“Anh ơi, bà Xuyến cũng mới mất rồi…”

21h tối,

Một ngày thật dài, và thật buồn. Mình tin là ông ở bên kia đã đứng chờ để đón bà rồi, và ông bà đang khoác tay nhau nói cười thật hạnh phúc.

Cuộc đời dài thật dài mà ngắn cũng thật ngắn. Những thời điểm đại dịch thế này mình càng cảm nhận mạnh mẽ hơn cái sự vô thường vốn lẽ.

Giá như…

Lại có bệnh nhân vào cấp cứu rồi…

 

 

 

Hãy để lại bình luận

avatar
  Subscribe  
Notify of

Bình luận Facebook

Bản quyền thuộc về Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế - Thiết kế Web Minh Dương
thiết kế web giá rẻ | dịch vụ seo