Bác sỹ trẻ lên non

Phòng hành chính của Khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà, choáng ngợp là những chồng giấy tờ, bệnh án xếp tầng tầng, lớp lớp. Hồ sơ bệnh án có ở khắp nơi, trên bàn họp, trong tủ, bàn làm việc, thậm chí còn được treo la liệt trên những bức tường cũ loang lổ.Tựa lưng vào chiếc ghế, chàng bác sỹ trẻ thả lỏng người sau một loạt ca phẫu thuật và tiểu phẫu, trải lòng về việc vì sao lại lựa chọn con đường không hề bằng phẳng như bao sinh viên khác là ở lại Hà Nội mà tình nguyện lên vùng cao sau khi ra trường.

“Em chỉ nghĩ đơn giản, khi có gia đình hay khi đã có một chỗ đứng trong ngành y sau này rồi, muốn cống hiến, muốn gắn bó với mảnh đất vùng cao trong vài năm cũng khó có thể thực hiện được trọn vẹn,” chàng bác sỹ trẻ Nguyễn Chiến Quyết bộc bạch.

Thật vậy, có những việc, những ước vọng dâng hiến hầu như chỉ có thể thực hiện được khi còn trẻ.

Như với Quyết bây giờ, mọi tâm tư, hoài bão đều hướng về những vùng đất khó khăn nơi vùng cao với nhiệt huyết cống hiến sức trẻ của mình một cách toàn tâm toàn ý mà không lo vướng bận gì.

Bác sỹ Đại học Y khám bệnh cho người dân vùng núi cao tại huyện Bắc Hà. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Viết đơn lên núi

Với tâm tư, quyết tâm ấy, những kỹ năng của chàng bác sỹ trẻ sau hơn hai năm được rèn luyện tay nghề tại các bệnh viện đầu ngành đã được mang đến vùng núi cao để áp dụng, phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng xa xôi hẻo lánh.

Sinh năm 1989, Nguyễn Chiến Quyết – chàng bác sỹ trẻ chuyên khoa ngoại, quê Hưng Yên có dáng người thư sinh, thông minh và nụ cười thân thiện. Quyết quê gốc ở Hưng Yên, nhưng từ khi còn nhỏ đã theo bố mẹ lên sinh sống tại huyện Bảo Yên, Lào Cai. Vì vậy, đất và người Lào Cai dường như là một phần trong tâm hồn để Quyết luôn hướng về những vùng đất non cao.

Trầm tĩnh, mường tượng lại những ngày đầu tiên cách đây ba năm về trước. Đó là những ngày mới chân ướt chân ráo ra trường Quyết lựa chọn lên vùng cao công tác.

Quyết trầm ngâm, thời điểm ra trường cũng đúng là khi Bộ Y tế triển khai dự án đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa. Cậu sinh viên trẻ Nguyễn Chiến Quyết đã suy nghĩ, trăn trở rất nhiều. Ý tưởng muốn lên vùng cao làm việc trong những năm tháng tuổi trẻ, những năm đầu của sự nghiệp cứ thao thức, hiển hiện trong đầu cùng Quyết bao đêm.

Rồi những ngày hỏi ý kiến của người thân trong gia đình, ai cũng đồng lòng tôn trọng quyết định cuối cùng của chàng bác sỹ trẻ.

Không ngần ngại gian khổ, không ngần ngại khó khăn, Quyết mạnh dạn đăng ký tham gia dự án và lựa chọn cho mình con đường “lên núi” công tác trong ba năm.

Để vào dự án “Đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về vùng sâu vùng xa” do Bộ Y tế tổ chức, các bác sỹ trẻ phải là những sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi tại các trường Đại học Y – Dược.

Năm 2014 ấy, qua những vòng tuyển dụng gắt gao, Quyết là một trong 7 người thuộc nhóm đầu tiên của dự án trên được “lên non.”

Những ngày đầu đó, tâm trạng Quyết xốn xang, vừa lo lâu, vừa mừng. Mừng vì mình là một trong số ít sinh viên đáp ứng được các tiêu chí được lựa chọn. Lo vì chặng đường trước mắt cũng không ít gian nan, nhiều bỡ ngỡ ở những vùng đất mới xa xôi và hẻo lánh.

Sau khi tham gia vào dự án, Quyết có hai năm được “tu luyện” thêm trong chương trình đào tạo của dự án và thực hành tại những bệnh viện hàng đầu của Bộ Y tế. Khi biết được mình sẽ được phân về công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà, Quyết đã có lần đi phượt lên vùng đất này để tìm hiểu thực tế nơi mình sắp đến công tác.

Quyết bảo, những chuyến đi đó, càng làm cho cậu hiểu thêm về đất nước, về những vùng núi cao thiếu thốn mọi thứ như cơ sở vật chất, nguồn nhân lực…

Thực trạng thiếu nguồn nhân lực y tế chất lượng cao tại các huyện vùng cao.

Rời Thủ đô lên Bắc Hà

Đầu tháng Bảy vừa qua, sau khi toàn tất chương trình đào tạo bác sỹ trẻ phục vụ vùng cao, Quyết “khăn gói” từ Hà Nội lên Lào Cai nhận công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà.

Rời Thủ đô vào một ngày âm u, chàng bác sỹ trẻ 28 tuổi đợt này lên nhận nhiệm vụ công tác 3 năm trên vùng cao tại huyện Bắc Hà. Quyết tự mình cưỡi trên chiếc xe máy vượt hàng trăm cây số, qua những con đèo quanh co uốn lượn hàng chục cây số lên vùng đất mới.

Bắc Hà, một huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai với diện tích 68.000km2, có khoảng 64.000 dân, với đặc thù địa hình núi cao, đi lại trắc trở. Đồng bào dân tộc chiếm tới 85% dân số của huyện, công tác khám chữa bệnh gặp rất nhiều khó khăn, với 40 bác sỹ trên địa bàn toàn huyện, tỷ lệ bác sỹ chỉ đạt 6,6 bác sỹ/10.000 dân, chưa đủ đáp ứng nhu cầu chăm sóc tối thiểu cho nhân dân trên địa bàn.

Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà bao gồm bệnh viện và 4 phòng khám đa khoa khu vực có cơ sở vật chất còn khiêm tốn, trang thiết bị còn thiếu và chưa đồng bộ. Toàn bệnh viện có 29 bác sỹ, trong đó có 9 bác sỹ sau đại học với 13 khoa lâm sàng. Đến nay duy nhất mỗi khoa chỉ có một bác sỹ phụ trách chuyên môn. Bệnh viện chỉ triển khai được 59% các kỹ thuật đúng tuyến, 3% kỹ thuật vượt tuyến, còn lại là chưa thực hiện được và phải chuyển lên tuyến trên.

Bác sỹ Nguyễn Chiến Quyết. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà đảm nhiệm việc chữa bệnh cho người dân ở nhiều huyện khác nhau quanh khu vực như: Bắc Hà, Xín Mần, Simacai… Bệnh viện nơi vùng cao này lúc nào cũng chật cứng bệnh nhân từ ba huyện khác nhau chuyển tới.

Con đường đến với bệnh viện vùng cao không hề dễ dàng. Đường dẫn vào huyện tuy được trải thảm nhựa phẳng lỳ nhưng hai bên núi non dựng đứng vách đá kế tiếp nhau, có những đoạn đèo một bên là núi đá dựng đứng, một bên là thung lũng thăm thẳm. Có những đoạn đường đèo quanh co, thỉnh thoảng xe đi trong mây mà cứ ngỡ như là sương của buổi sáng dù đang là giờ sắp chính Ngọ.

Quyết cười, “em đưa xe lên đây cho cơ động mỗi lần về xuôi.” Từ bệnh viện huyện, Quyết đi xe máy xuống thành phố Lào Cai qua những con đường tắt để tiết kiệm thời gian rồi bắt xe khách về nhà thăm gia đình, thăm người yêu.

Ca phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân Sùng Seo Sẩu. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Ca phẫu thuật bất ngờ

Chiều muộn huyện Bắc Hà! Trời bắt đầu nhá nhem tối. Cơn mưa mùa Hạ dai dẳng tí tách suốt mấy ngày khiến không khí nơi phố núi càng trở nên trầm mặc, tĩnh lặng hơn.

Gần 5 giờ chiều, sau khi hoạt động khám chữa bệnh miễn phí cho người dân vùng cao gần kết thúc, Nguyễn Chiến Quyết mới có thời gian dẫn tôi vào tham quan “đại bản doanh” mà cậu sẽ làm việc ở đây trong ba năm tới.

Bệnh viện huyện vùng cao Bắc Hà nằm trên quả đồi thoai thoải rợp bóng cây xanh. Xung quanh bệnh viện là những ngọn núi cao ngút ngàn bao phủ.

Tại Khoa ngoại, hơn 50 chiếc giường bệnh chật cứng bệnh nhân. Phòng bệnh không điều hòa, chỉ có chiếc quạt trần nhẹ nhàng phe phẩy.

Bác sỹ Nguyễn Như Tuấn – Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà, kiêm trưởng khoa ngoại trải lòng, mặc dù là bệnh viện huyện vùng cao nhưng bệnh nhân không hề ít. Đây là bệnh viện trung tâm của cả 3 huyện nên lượng bệnh nhân lúc nào đến cũng đông. Hiện tại toàn khoa chỉ có 2 bác sỹ mổ, trong đó có 1 bác sỹ đang đi học, nên công việc hàng ngày rất bận.

“Có ngày, một mình tớ độc diễn mở từ 4-6 ca. Cứ hết ca mổ này lại đến ca mổ khác. Dù người đã mệt nhoài, bàn chân có khi cảm giác tê dại vì đứng mổ triền miên khá lâu,” bác sỹ Tuấn trải lòng.

Thoáng một chốc, đánh mắt về phía chàng bác sỹ trẻ đang ngồi trước mặt, bác sỹ Tuấn cười: “Giờ có cậu Quyết về, tôi như san sẻ thêm được một phần gánh nặng và cũng như chim được chắp thêm đôi cánh. Quyết về đây sẽ giúp cho khoa phát triển tốt hơn, giải quyết những ca bệnh ngày trước chúng tôi phải chuyển tuyến.”

Bệnh viện được trang bị máy mổ nội soi từ ba năm nay nhưng ít khi được sử dụng do thiếu nhân lực, giờ có Quyết chắc máy móc đỡ cảnh “đắp chiếu.”

Ý tưởng muốn lên vùng cao làm việc trong những năm tháng tuổi trẻ, những năm đầu của sự nghiệp cứ thao thức, hiển hiện trong đầu cùng Quyết bao đêm.

5 giờ 30 chiều, câu chuyện về bệnh viện trong những dòng tâm tư của bác sỹ Tuấn vẫn đang tuôn trào thì đột nhiên một nhân viên y tế gấp gáp chạy tới thông báo có ca ruột thừa cấp cần tiến hành mổ ngay.

Chỉ trong chốc lát, hai người bác sỹ cùng rảo bước tới buồng bệnh nhân để thăm khám.

Trên chiếc giường bệnh đơn sơ trải chiếu cói màu vàng nhạt của bệnh viện huyện vùng cao, người đàn ông trung niên ôm chặt lấy bụng, người co quắp.

Bệnh nhân là ông Sùng Seo Sẩu, 49 tuổi, ở xã Nậm Mọn, Bắc Hà, được người nhà chuyển đến với cánh tay ghì chặt ôm lấy bụng. Đôi lông mày nhíu vào hết cỡ, miệng bặm chặt lại như đang cố chịu đựng… Những cơn đau bụng cuồng thắt khiến bệnh nhân quằn quại không thể nói được câu nào.

Vén vạt áo của bệnh nhân lên qua ngực, hai tay bác sỹ Quyết khi thì nắn nắn, khi thì gõ nhẹ trên trên bụng bệnh nhân kiểm tra sơ bộ.

Sau thời gian hội chẩn và làm các thủ tục xong xuôi, 6 giờ chiều, tiếng bước chân rầm rập, gấp gáp của các y bác sỹ điều dưỡng chạy từ phòng này sang phòng kia, vội đưa bệnh nhân vào khu vực mổ.

Tôi theo chân chàng bác sỹ trẻ vào phòng mổ. Vừa “chân ướt chân ráo” về đến bệnh viện, đây là ca mổ nội soi đầu tiên của cậu tiến hành tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Hà.

Góc hành lang dẫn vào căn phòng mổ dài hun hút. Căn phòng mổ của Khoa Ngoại rộng chừng 20 mét vuông, ở giữa phòng là chiếc bàn mổ mà bệnh nhân Sùng nằm trên đó, chiếc máy nội soi thường ngày được xếp ngay ngắn ở một góc đã được đưa ra sẵn sàng.

6 giờ 5 phút, mọi thủ tục chuẩn bị bông, băng, gạc, nước sát trùng đã hoàn tất. Chàng bác sỹ trẻ thoăn thoắt thực hiện các thao tác mổ nội soi cho bệnh nhân không một chút nao núng. Sự tự tin hiện trên gương mặt cương nghị.

Toàn căn phòng dường như tĩnh lặng hơn, chỉ có tiếng kêu bíp bíp của máy đếm nhịp tim, tiếng dụng cụ lạch cạch. Thi thoảng vang lên vài câu nói: “Bông, băng, rồi đã đến đích chưa? Cắt nhé.” Mắt nhìn đăm đăm vào chiếc màn hình y khoa trước mặt hiển thị các hình ảnh phẫu trường, ba chiếc cán tay cầm nội soi được Quyết và bác sỹ Tuấn điều khiển rất ăn ý và thuần thục… Hai bác sỹ đứng mổ, những đôi tay dò dò “như cầm những chiếc đũa thần” điều khiển trên bụng bệnh nhân. Sau 40 phút, ca mổ đã diễn ra suôn sẻ và thành công.

Ca mổ phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Hai tháng như thoi đưa

Trong tuần đầu tiên làm việc ở bệnh viện miền núi, đón bác sỹ Quyết là những ngày Hè mưa rả rích suốt ngày đêm.

Xa phố phường Thủ đô phồn hoa, lên núi là một không gian, môi trường hoàn toàn khác biệt. Bắc Hà vốn dĩ đã tĩnh lặng, yên bình, nay thêm mưa suốt mấy ngày khiến cho không gian, cũng như tâm tư của chàng bác sỹ trẻ những ngày đầu càng trở nên bâng khuâng, nhớ nhà quay quắt…

Bác sỹ Quyết được bệnh viện bố trí cho một phòng ở trên tầng 3 của tòa nhà cấp cứu. Những bữa cơm hàng ngày Quyết đều xuống căngtin của bệnh viện cho  tiện.

Trong tuần làm việc đầu tiên ấy, hầu như Quyết không bước chân ra khỏi viện. Mọi sinh hoạt, làm việc đều diễn ra trong viện. Ban ngày khám bệnh, chiều mổ, tối đến hết ngồi ở phòng nghỉ cậu lại lang thang sang khu điều trị bệnh nhân để đi “tuần” thăm hỏi tình trạng bệnh nhân.

“Về phòng ở có một mình, chưa quen mọi thứ nên tối đến tôi thường sang phòng bệnh để hỏi han, nói chuyện với bệnh nhân vừa theo dõi tình trạng của họ, vừa cho lòng mình bớt trống trải,” bác sỹ Quyết tâm sự.

Rồi mọi thứ cứ tự nhiên diễn ra, bệnh nhân thì đông, hầu như giường bệnh nào cũng chật cứng người. Mỗi ngày với chàng bác sỹ trẻ này trôi qua rất nhanh, sáng khám cho bệnh nhân, chiều thường là thực hiện những ca thủ thuật, phẫu thuật. Trung bình một ngày bác sỹ Quyết mổ từ 3-4 ca.

Trôi theo guồng công việc đó, ngày qua ngày, tuần qua tuần, ngoảnh lại thoắt cái Quyết đã tới vùng đất này được hai tháng.

”Em cứ nghĩ khi lên vùng cao cuộc sống sẽ trở nên chậm hơn. Không ngờ, cuốn theo nhịp độ của công việc, thời gian trôi qua thật nhanh. Mọi chuyện dường như mới diễn ra gần đây mà đã hai tháng trôi qua, kể từ ngày em đã gắn bó được với mảnh đất này.”

Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Những “mũi tên” chiến lược bắn về vùng cao

Nhớ lại những ngày đầu chập chững bước chân vào nghề y, khi còn là sinh viên năm thứ 3 của Trường Đại học Y Hà Nội, lần đầu tiên được tới phòng mổ để học hỏi và tham quan, Quyết cười: “Khi đó, người em cứ lóng nga lóng ngóng, căng thẳng ghê lắm, đến mặc chiếc áo mổ cũng bị ngược. Em đã bị các chị điều dưỡng mắng té tát một trận, kêu phải chú ý quan sát cho kỹ và bị đuổi ra khỏi phòng mổ đến khi nào mặc đúng kiểu cách của áo mới được vào.”

6 năm trôi qua, chàng sinh viên y khoa lóng ngóng ngày nào giờ đã trở thành một bác sỹ phẫu thuật chững chạc, tự tin thực hiện thuần thục các ca phẫu thuật từ đơn giản đến phức tạp.

Tiến sỹ Phạm Văn Tác – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) nhấn mạnh, để đảm bảo các bác sỹ trẻ như Quyết có thể tự tin “độc lập tác chiến” ở vùng sâu, vùng xa, công tác đào tạo được ưu tiên theo hướng “cầm tay chỉ việc” và “một kèm một.” Mỗi học viên được một giáo sư đầu ngành tại các bệnh viện tuyến Trung ương kèm cặp, “huấn luyện” trong vòng hai năm. Trên thực tế, việc đào tạo có thể lên tới 8-9 giáo sư, tiến sỹ đào tạo một bác sỹ trẻ.

“Hình thức đào tạo giống như chương trình bác sỹ nội trú. Những bác sỹ trẻ tham gia dự án sau khi tốt nghiệp 6 năm y khoa, được học chuyên khoa 1 ngay mà không cần thời gian làm việc 2 năm mới được nhận đào tạo chuyên khoa. Các bác sỹ trẻ cũng được cọ sát thực tế tại các bệnh viện tuyến Trung ương và Bệnh viện hạng I,” tiến sỹ Phạm Văn Tác cho hay.

Chính vì vậy, chàng bác sỹ trẻ không hề nao núng khi trở về với vùng cao với những kiến thức về ngoại khoa đã được rèn giũa suốt mấy năm vừa qua.

Phó giáo sư Phạm Hoàng Hà – Phó trưởng Khoa phẫu thuật tiêu hóa (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), thầy hướng dẫn trực tiếp Quyết cho hay, Quyết là bác sỹ trẻ chăm chỉ, chịu khó học hỏi để nâng cao chuyên môn. Đặc biệt hai năm qua, để những bác sỹ trẻ như Quyết nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe ở vùng cao, chúng tôi đã có một sự “nhào nặn” chuyên nghiệp nhằm tạo ra các bác sỹ trẻ giỏi tay nghề có thể “lên non” phục vụ người dân nơi đây.

Trong phần đào tạo về cấp cứu, các bác sỹ của dự án được tham gia các tua trực giống như trực của bác sỹ nội trú, trực 4 ngày 1 lần và hoạt động chức năng giống như các bác sỹ nội trú. “Chúng ta có một lớp học trò ra mà chất lượng hoàn toàn đạt chất lượng giống như các bác sỹ nội trú tại các bệnh viện đầu ngành,” phó giáo sư Phạm Hoàng Hà hồ hởi kể.

Nhiều vùng núi cao vẫn đang “khát” nguồn nhân lực y tế chất lượng cao. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Viết tiếp trang sử “đâu cần thanh niên có”

Ở Việt Nam, tỷ lệ đạt 8 bác sỹ/10.000 dân, ở những thành phố lớn là 10-15 bác sỹ/10.000 dân.Trong khi đó, ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa khó khăn chỉ có 3-5 bác sỹ/10.000 dân.

Tình hình trên đặc biệt khó khăn hơn ở các bệnh viện tuyến xã và huyện. Mặc dù Chính phủ đã có những chính sách tăng đãi ngộ, phụ cấp lên đến 70%, nhưng cũng không thể nào thu hút được bác sỹ giỏi về bệnh viện huyện. Sức khỏe của gần 100 triệu người sẽ không thể được cải thiện nếu không tăng cường y tế cơ sở.

Bác sỹ Nguyễn Kim Phương – Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà cho hay, Chính phủ đã có những chính sách tăng đãi ngộ, phụ cấp lên đến 70%, nhưng cũng không thể nào thu hút được bác sỹ giỏi về bệnh viện huyện. Đã từ rất lâu, mong muốn của bệnh viện mong muốn được tiếp nhận các bác sỹ trẻ có trình độ chuyên môn sâu để triển khai tất cả các dịch vụ kỹ thuật trong phân tuyến kỹ thuật tại bệnh viện.

Những năm qua, dù cơ sở vật chất của bệnh viện được trang bị và nâng cấp thường xuyên, nhưng đáng buồn thay, bệnh viện luôn trong tình trạng thiếu bác sỹ.Ngót nghét 10 năm nay, không có một bác sỹ chính quy nào về với bệnh viện. Nguồn bác sỹ của bệnh viện đa số là từ chuyên tu với cử tuyển do huyện tự đào tạo.

Tháng Bảy vừa qua, lần đầu tiên sau một thập kỷ, Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà mới có cơ hội tiếp nhận thêm một bác sỹ trẻ – đó là bác sỹ Nguyễn Chiến Quyết tình nguyện về đây công tác.

Quyết kể, trực đêm ở bệnh viện Bắc Hà khác xa hẳn so với các bệnh viện tuyến trung ương.Tại các bệnh viện lớn, thường bác sỹ chuyên khoa nào phụ trách trực của khoa đó. Nhưng với Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà thì mỗi đêm chỉ có một bác sỹ trực và phụ trách công việc của tất cả hơn 10 khoa lâm sàng, chứ không riêng gì chuyên khoa mình phụ trách nên khối lượng công việc khá lớn.

Một tuần Quyết được phân công 2 buổi trực đêm, từ 5 giờ chiều đến 7 giờ sáng. Nhưng do ở luôn trong bệnh viện nên rất nhiều đêm có những ca bệnh, ca phẫu thuật cấp cứu khó, đồng nghiệp lại chạy sang phòng bác sỹ Quyết gọi hỗ trợ.

Rời khỏi bệnh viện huyện vùng cao này, hình ảnh về bố con ông Sùng Seo Sấu – bệnh nhân ca nội soi đầu tiên của bác sỹ Quyết cứ vấn vương theo tôi mãi. Họ là những người dân tộc Mông chất phác, giản dị.

Trên chiếc giường bệnh rộng 1 mét 2, ông Sùng Seo Sấu (49 tuổi) vẫn ly bỳ sau ca phẫu thuật.

Sùng Seo Ký, con ông Sấu, lúc này mới thở phào nhẹ nhõm như trút được gánh nặng trong lòng.

Nét mặt căng thẳng trên gương mặt đã dãn ra.Ký vén chiếc chăn mỏng cẩn thận đắp vào cho bố sau phẫu thuật.

Ngồi trên chiếc ghế gỗ, chàng trai 29 tuổi, người dân tộc Mông, ấp a ấp úng kể: “Trong họ cũng có mấy người bị viêm ruột thừa phải mổ. Lần này, bố mình được các bác sỹ mổ nội soi quả là khác thường. Bởi trước kia, ai cũng có vết rạch dài ở bụng, trong khi bố mình chỉ có ba vết như chích một cái mụn mủ trên bụng quả là thần kỳ, thế mà bệnh lại khỏi.”

Sùng Seo Ký cứ thắc mắc, ngạc nhiên mãi…

Có đi mới thấy tại những huyện miền núi nghèo, đồng bào những vùng khó khăn luôn mong mỏi lòng yêu nước, nhiệt huyết của tuổi trẻ, và tinh thần “đâu cần thanh niên có” để thu hẹp dần các khoảng cách chênh lệch về chăm sóc sức khỏe giữa miền núi và miền xuôi.

Tôi nhớ mãi hình ảnh của một bác sỹ trẻ nơi vùng cao thân thiện, cài từng khuy áo cho bệnh nhân và một tâm niệm: “Khi về đây, em chỉ mong làm sao có thể cống hiến, cùng chung tay để các bác sỹ của bệnh viện đỡ vất vả, bệnh nhân được tiếp cận với các dịch vụ y tế tốt và chất lượng cao.”

Bác sỹ Nguyễn Chiến Quyết cẩn thận cài từng khuy áo cho bệnh nhân. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Xuất phát từ thực tiễn, ở 62 huyện nghèo thiếu khoảng 600 bác sỹ ở 15 chuyên khoa, Bộ Y tế đã thiết kế chính sách để tạo ra nhiều quyền lợi cho các bác sỹ tình nguyện về huyện nghèo. Những sinh viên trường Y tốt nghiệp loại khá giỏi, có tinh thần xung phong, sẽ được cho đi học ngay chuyên khoa 1 với kinh phí của nhà nước, sẽ được nhận vào biên chế các bệnh viện trung ương hoặc tỉnh, trước khi thực hiện sứ mệnh tại vùng khó khăn. Ở đó, nam bác sỹ cam kết gắn bó với địa phương 3 năm, nữ bác sỹ sẽ công tác 2 năm, trước khi được trả về tuyến trên.

Dự kiến đến năm 2020, dự án sẽ đưa từ 300-500 bác sỹ trẻ tình nguyện về các vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, nhằm giải quyết sự thiếu hụt về nhân lực y tế.

(Bài và Ảnh Cao Thùy Giang – vietnamplus.vn)

Hãy để lại bình luận

avatar
  Subscribe  
Notify of

Bình luận Facebook

Bản quyền thuộc về Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế - Thiết kế Web Minh Dương
thiết kế web giá rẻ | dịch vụ seo