Đánh giá cao tính nhân văn và hiệu quả đối với Dự án Thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn khi đào tạo và đưa hàng trăm bác sỹ trẻ có trình độ khá, giỏi tăng cường về vùng khó khăn, giúp phát triển hệ thống y tế cơ sở, thu hẹp khoảng cách chăm sóc sức khỏe giữa các vùng miền, ngày 19/02/2021 Đài truyền hình Việt Nam đã tiến hành phỏng vấn TS. Phạm Văn Tác – Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo về hoạt động của Dự án.
TS. Phạm Văn Tác, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Giám đốc Dự án 585 trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Việt Nam
Phóng viên: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của Đề án Bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng sâu, vùng xa, khó khăn trong thời gian vừa qua?
TS. Phạm Văn Tác: Trong thời gian vừa qua Bộ Y tế đã có phê duyệt Dự án 585 đưa bác sĩ trẻ về vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo ưu tiên 62 huyện nghèo, trong suốt thời gian thực hiện với tinh thần tình nguyện “Đâu cần thanh niên có”, các bác sĩ trẻ khi tuyển dụng được khớp cung cầu rất cẩn thận và bài bản. Theo điều tra ban đầu, 62 huyện nghèo cần 598 bác sĩ chuyên khoa I chuyên sâu. Đến thời điểm này, Dự án 585 đã đào tạo được 354 bác sĩ , trong đó có 310 bác sĩ là cán bộ y tế tại 62 huyện nghèo, có gia đình, vợ chồng và đang công tác tại địa phương, ngoài ra có 44 bác sĩ tình nguyện từ trung ương về tình nguyện tại địa phương. 354 bác sĩ này đã được triển khai về 22 tỉnh.
Kết quả nữa là Chất lượng, do đây là chương trình đào tạo đặc biệt, cầm tay chỉ việc, 1 thầy 1 trò tại 3 trường: Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược Huế, Đại học Y Dược Hải Phòng nên các bác sĩ đã thành thạo được nhiều kỹ thuật chuyên sâu. Ví dụ như về Ngoại: có bác sĩ Nguyễn Chiến Quyết về Bắc Hà, Lào Cai trong 3 năm tình nguyện đã mổ được 1286 ca, như vậy trung bình kể cả thứ 7 chủ nhật bác sĩ đã mỗ được 1 đến 2 ca một ngày. Trong 1286 ca mổ thì có 1/3 số ca là mổ bằng nội soi, đây là kỹ thuật hiện đại mà hiện nay một số huyện miền xuôi cũng chưa thực hiện được. Hay như ở Mường Nhé, Điện Biên khi bác sĩ Hiếu về nhiều trẻ sinh với cân nặng thấp từ 1 kg đến 1,4 kg đã được cứu trong thời gian bác sĩ công tác tình nguyện. Hay như bác sĩ Sùng Seo Tỏa ở Trung tâm Y tế huyện Mường Khương, Lào Cai, chuyên ngành sản đã thực hiện được mọi kỹ thuật cho sản khoa, không những thế bác sĩ còn vận động người dân, người Mông bỏ những tập tục không tốt cho sức khỏe, như không dám cho máu ai vì họ quan niệm cho máu mà họ mất thì mình mất theo, đến nay người Mông không còn tư duy đó. Hay như trước đây, khi đẻ, người Mông chỉ để chồng đỡ đẻ, kể cả bố mẹ đẻ cũng không được, thì đến nay họ đã để các bác sĩ đỡ và tham gia chăm sóc sức khỏe. Người Mông cũng đã hiểu nếu có bệnh tật thì đến bệnh viện và nếu sinh nở thì đến bác sĩ giúp.
Những kết quả này được ghi nhận ở nhiều nơi, như Tây Nguyên tại huyện La Pa, Gia Lai có bác sĩ Nay Vong là bác sĩ Y học cổ truyền đã chữa cho những bệnh nhân trước đây liệt không đi lại được, sau khi châm cứu dùng thuốc thì đã đi lại được.
Với những kết quả đó, chúng tôi cho rằng các bác sĩ trẻ tình nguyện đã có đóng góp to lớn cho các huyện nghèo, đặc biệt các huyện miền núi phía bắc, miền trung, Tây nguyên. Các bác sĩ trẻ cũng được các đồng nghiệp cùng công tác đánh giá cao về năng lực. Ví dụ như ở Mường Nhé, các bác sĩ đánh giá bác sĩ Hiếu đã hỗ trợ 30 – 50% dịch vụ y tế tại huyện. Nhiều đồng chí Lãnh đạo Chính quyền địa phương, Huyện ủy, Ủy ban cũng đánh giá rất cao các đóng góp của các bác sĩ trẻ, giúp giảm số lượng bệnh nhân chuyển lên tuyến trên. Như vậy, nhờ có đội ngũ các bác sĩ trẻ tình nguyện mà bệnh nhân, phụ nữ chửa đẻ đã được chăm sóc y tế ngay tại huyện nghèo, không phải chuyển về tuyến tỉnh, trung ương. Điều này cũng gián tiếp xóa đói giảm nghèo, vì bệnh nhân không phải tốn kém đi lại nữa. Đồng thời bệnh nhân được cấp cứu tại chỗ nên cứu sống được nhiều người hơn. Như vậy ngoài việc chăm sóc sức khỏe, cứu sống được nhiều người thì cũng giúp người dân đỡ nhiều chi phí nếu phải chuyển tuyến, và cũng giúp người dân tin hơn vào ngành Y tế, đường lối của Đảng và Nhà nước.
Phóng viên: Ông đánh giá vai trò của đội ngũ bác sĩ trẻ tình nguyện đối với năng lực của mạng lưới y tế cơ sở như thế nào?
TS. Phạm Văn Tác: Hệ thống y tế của ngành Y tế Việt Nam được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá rất cao và Nghị quyết 20 Trung ương VI khóa 12 vừa qua cũng khẳng định Y tế cơ sở là nền tảng. Bởi Y tế cơ sở là nơi gần dân nhất, hàng ngày sát cánh với dân, nếu y tế cơ sở tốt thì người dân sẽ đỡ khổ, sẽ được cứu nhiều hơn, không phải chuyển tuyến nữa, giúp giảm tải cho tuyến trên. Và người dẫn sẽ đỡ tốn thời gian, tiền bạc hơn, họ sẽ tập trung sức lực đó để lao động sản xuất đem lại của cải cho cá nhân và gia đình họ. Như vậy các bác sĩ trẻ tình nguyện ở đó góp phần rất quan trọng và củng cố mạng lưới y tế cơ sở. Tôi có thấy bác sĩ ở Điện Biên nói Bác sĩ nghèo về huyện nghèo chữa cho bệnh nhân nghèo, chung tay giúp đỡ người nghèo thì làm cho người dẫn đỡ nghèo đi, sau này mới hiểu, khi thấy người dân nghèo không có quần áo mặc đã chung tay mua thêm quần áo cùng với anh em để khi lên khám bệnh tại bản tặng họ thì họ cũng tin tưởng bác sĩ hơn.
Như vậy, hệ thống Y tế cơ sở xuyên suốt từ thôn bản, xã và lên huyện, tỉnh. Tôi cho rằng y tế cơ sở mà tốt thì chính các bác sĩ này đã làm tăng chất lượng chăm sóc sức khỏe lên, để người dân họ tin họ yêu và ở lại chăm sóc sức khỏe tại chỗ. Đây là một trong những thành công rất lớn. Mặc dù vừa qua ngành y tế đã triển khai một loạt các biện pháp như: khám chữa bệnh từ xa, bệnh viện vệ tinh … nhưng muốn gì thì cũng cần có cán bộ y tế tại chỗ có trình độ, thì chính các bác sĩ trẻ đã đóng góp việc đó.
Phóng viên: Thưa Ông trong quá trình triển khai, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo và Dự án đã rút được kinh nghiệm gì và kế hoạch trong thời gian tới như thế nào?
TS. Phạm Văn Tác: Trước hết về Kinh nghiệm, Tôi cho rằng chúng ta phải có cách làm mới và phải phù hợp với cung cầu với từng nơi một. Họ thiếu gì thì cung cấp đó, thiếu bác sĩ sản thì cung cấp bác sĩ sản, mà bác sĩ sản thì cần phải mổ thì phải xem xét họ có phòng mổ chưa, dụng cụ mổ chưa, có gây mê chưa … cần phải đồng bộ như vậy đảm bảo khi khớp cung cầu hết sức thận trọng và chặt chẽ. Ngoài ra cũng cần tạo nên phong trào, khí phách của tuổi trẻ Việt Nam “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Các bác sĩ đã tốt nghiệp các khóa của Dự án họ rất tự hào và đi đâu cũng nêu mình là Bác sĩ trẻ tình nguyện Dự án 585 và được người dân tin yêu. Như vậy cần tạo động lực, mong muốn của những người ở thuận lợi giúp đỡ người ở vùng khó khăn. Và điều này cũng là thực hiện chủ chương chính sách của Đảng một cách đúng đắn, nghiêm túc nhưng hợp lý. Trong tương lai giai đoạn tới với địa hình đất nước trải dài, nhiều vùng núi, vùng sâu, giao thông đi lại khó khăn nên chênh lệch giữa vùng thuận lợi khó khăn không thể một sớm một chiều thay đổi được. Như chúng tôi khi đi đến Mường Nhé, đi xe liên tục cũng mất 13 tiếng hơn, xe cấp cứu chạy thì cũng phải 8 tiếng. Như vậy, giai đoạn tiếp theo Dự án Bác sĩ trẻ vẫn phải tiếp tục thực hiện.
Trong giai đoạn tới, sau khi Dự án HPET ngừng hỗ trợ 2 năm do không có kinh phí, tới đây Dự án 585 sẽ được Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn VinGroup hỗ trợ mỗi năm 100 chỉ tiêu và sẽ tăng theo khả năng thực hiện. Dự án cũng sẽ có điểm mới đó là nếu thực sự tuyến cơ sở có bác sĩ được cử đi học thiếu trang thiết bị thì Quỹ sẽ chung tay xã hội hóa giúp cơ sở trang thiết bị.
Ngoài ra theo chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng GS. Nguyễn Thanh Long hiện Bộ Y tế đang xây dựng dự án mới cho vùng khó khăn, nhưng rộng hợn cho 28 tỉnh theo nguyên tắc: thiếu cán bộ y tế gì, trình độ gì thì cung cấp bác sĩ đó. Như vậy, tới đây sẽ có cả bác sĩ chuyên khoa II, dược sĩ, xét nghiệm, điều dưỡng … nếu địa phương cần. Chúng tôi thấy rằng nếu Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ giúp chúng ta có đội ngũ cán bộ y tế tuyến cơ sở đầy đủ hơn nữa. Nhân đây Tôi cũng kêu gọi các cán bộ y tế ở vùng thuận lợi sẵn sàng chia sẽ với vùng khó khăn. Mặt khác tiến tới Nhà nước cũng cần có Luật mới trách nhiệm nghĩa vụ xã hội như nhiều nước đã làm, như khi được đào tạo bài bản thì các bác sĩ có nghĩa vụ giúp các vùng sâu, khó khăn. Chúng tôi cũng mong muốn các cấp Ủy đảng, Chính quyền địa phương đặc biệt những tỉnh khó khăn có trách nhiệm cùng với Nhà nước, xây dựng kế hoạch sát với thực tế, nhu cầu của người dân. Ví dụ xây dựng kế hoạch có bác sĩ ngoại, nhưng cơ sở chưa có phòng mổ như vậy rất lãng phí . Như vậy, chúng tôi mong muốn các cấp cùng chung tay cùng các dự án trong đó có Dự án 585 để giúp người dân có mức sống càng ngày càng cao hơn, đặc biệt chăm sóc y tế ngày càng tốt hơn và khoảng cách giữa vùng thuận lợi khó khăn rút ngắn đi nhiều. Và như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói “Không để ai ở lại phía sau”, nhất là không để bất cứ ai không được chăm sóc sức khỏe. Đây là sự ưu việt của chính sách của Đảng Nhà nước Việt Nam.
Phóng viên: Xin Ông cho biết sự đóng góp của sinh viên ngành Y trong thời gian dịch Covid-19 đang bùng phát hiện nay?
TS. Phạm Văn Tác: Cũng theo tinh thần tuổi trẻ sáng tạo, trong suốt thời gian vừa qua đặc biệt từ tết năm 2020 sau khi có dấu hiệu dịch Covid-19 bùng phát thì hệ thống đào tạo và nghiên cứu khoa học đã vào cuộc một cách đồng bộ theo sự chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, chúng tôi đã đào tạo hơn 29 nghìn sinh viên năm thứ 3 của các trường khối ngành sức khỏe tại 63 tỉnh thành và 19 nghìn sinh viên năm 6. Và giai đoạn vừa qua đã tập huấn lại cho 20 nghìn sinh viên, giáo viên về kiến thức phòng chống dịch Covid-19, như: truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, tham gia vào giai đoạn đầu chăm sóc…. Hiện nay, có 4.000 sinh viên nộp đơn sẵn sàng tình nguyện đi chống dịch bất cứ đâu nếu đất nước cần. Đại học Kỹ thuật Y Dược Hải Dương trước huy động 500, nay gần 1100 giáo viên, sinh viên tham gia chống dịch; trường Cao đẳng Dược Hải Dương huy động gần 200. Cao đẳng Y Quảng Ninh cũng gần 200. Đại học Y Hà Nội, Đại học Y tế công cộng đã gửi các đoàn xuống vùng dịch lấy hàng ngàn mẫu xét nghiệm và đưa lại kết quả kịp thời cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Đặc biệt khi Bệnh viện dã chiến số 2 được đặt tại trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, một số hộ lý do không hiểu hết nên đã xin nghỉ, mà bệnh viện hoạt động thì cần có đầy đủ các thành phần, như vậy những công việc chăm sóc bệnh nhân, dọn dẹp không có người làm; khi đó Trường đã tuyên truyền và rất nhiều em sinh viên nộp đơn ở lại không về ăn tết Nguyên Đán mà tham gia vào Bệnh viện dã chiến số 2 là bệnh viện chính ở Hải Dương hiện nay, tham gia thực hiện các công việc của Điều dưỡng giúp cho hoạt động của ngành y tế Hải Dương cũng như của Bệnh viện dã chiến số 2 hoàn thành nhiệm vụ và góp phần trong công tác phòng chống dịch trong thời gian vừa qua.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Ông đã dành thời gian trả lời buổi phỏng vấn!
Chi tiết nội dung cuộc phỏng vấn
Hãy để lại bình luận