Chàng bác sĩ trẻ bỏ phố lên núi với người nghèo

PLO)- Tham gia Dự án 585 của Bộ Y tế, bác sĩ Viên Đình Hải quyết định rời bệnh viện tuyến trung ương về công tác tại bệnh viện một huyện miền núi xa xôi của tỉnh Thanh Hóa.

Một sáng nọ, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Như Xuân (huyện Như Xuân, Thanh Hóa) tiếp nhận bệnh nhân nam khoảng 40 tuổi được đưa đến cấp cứu do nuốt dao lam.

Thường những ca này sẽ được chuyển ngay lên tuyến trên, nhưng sau khi kiểm tra tình trạng bệnh nhân, bác sĩ (BS) Viên Đình Hải có chút lấn cấn vì bệnh nhân chỉ đau họng, khạc ra ít máu. Đường xá xa xôi, nếu di chuyển, dao lam có thể gây tổn thương phức tạp hơn.

“Sợ nhất là bệnh nhân chết trên tay mình!”

Thời điểm này, BS Hải mới từ BV Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) về công tác được mấy tháng. Do vậy, khi anh đề xuất phương án “Trước mắt nội soi dạ dày xác định vị trí dị vật, kiểm tra mức độ tổn thương. Nếu tổn thương lớn, chấp nhận xử lý cho bệnh nhân đỡ kích thích rồi chuyển tuyến. Nếu nhỏ BV có thể can thiệp” không ít người nghi ngại.

Tuy vậy, sau khi hội chẩn và nghe BS Hải thuyết phục, giám đốc BV đồng ý. Êkip phẫu thuật do BS Hải phụ trách đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhân.

Chàng bác sĩ trẻ bỏ phố lên núi với người nghèo ảnh 1

Bác sĩ Hải (giữa) tham gia hỗ trợ êkip phẫu thuật nội soi tại BVĐK Như Xuân. Ảnh: TÂM AN

Nhớ lại một ca thử thách nghề nghiệp, BS Hải không quên được một bệnh nhân nam gần 50 tuổi ở Như Xuân. Người này tự đâm hai nhát vào bụng tự tử, nhập viện trong tình trạng lơ mơ, huyết áp tụt, trụy mạch, mất nhiều máu, tiên lượng tử vong. Các BS quyết định phải phẫu thuật ngay, nhưng chuyển tuyến hay can thiệp tại BV là điều khiến họ phân vân.

“Hai phương án đều có rủi ro, chuyển viện thì bệnh nhân có thể tử vong trên đường, giữ lại chưa chắc cứu được nhưng tỉ lệ sống cao hơn. Ca bệnh không phức tạp nhưng phải đấu tranh tư tưởng, phải quyết nhanh vì chần chừ thêm phút nào cơ hội sống của bệnh nhân giảm phút đó.

Nếu chuyển viện và bệnh nhân tử vong trên đường cũng không được, giữ lại thì còn nước còn tát” – BS Hải kể lại giây phút đứng giữa hai lựa chọn khó khăn. Cuối cùng, ca mổ được tiến hành và thành công sau hai tiếng nỗ lực của các BS.

“Ở đây còn có nhiều người bệnh đang chấp hành án tù. Đối với BS, điều quan trọng nhất là cứu người, dù bệnh nhân là ai cũng không phân biệt. Với BS ngoại khoa như tôi, sợ nhất là bệnh nhân chết trên tay mình, đó là sự ám ảnh rất lâu” – BS Hải trải lòng.

Cầu nối với bệnh viện tuyến trung ương

Nhắc lại những ngày đầu chuyển công tác từ thủ đô về huyện miền núi xa tít tắp, BS Hải hài hước “Mình phải nỗ lực 200%, nhờ stress nên giảm được 5 ký trong hai tuần đấy” rồi phá lên cười vui vẻ.

Tôi bị quẹt xe máy hôm 30 Tết, thêm bệnh ngứa chân với hạch ở tai. Vì nhiều thứ bệnh quá ban đầu tôi tính lên BV tỉnh, sau nghe mách ở đây có BS Hải rất giỏi ở Hà Nội vào nên tôi yên tâm nhập viện điều trị thay vì đi xa, vất vả lại tốn kém. BS Hải và các BS ở đây rất tận tình, chu đáo, vài ngày nữa là tôi khỏi bệnh được về nhà rồi. Các BS ở đây là quý nhân của tôi đấy. (Ông Bùi Phân Tự, 53 tuổi, Thanh Hóa)

Anh cho hay, khó nhất ở BV tuyến dưới là thiếu trang thiết bị nên BS chủ yếu khai thác triệu chứng bệnh nhân, sờ nắn, thậm chí có ca cận lâm sàng chưa ra kết quả chính xác nhưng phải quyết định dựa trên lâm sàng.

“Mọi thứ ở BV tuyến trên đầy đủ bao nhiêu thì tuyến dưới thiếu thốn bấy nhiêu, có gì dùng nấy, buộc mọi người phải thay đổi cách làm việc, chủ động hơn, quyết đoán hơn. Nhờ thế mà tôi có thêm rất nhiều kinh nghiệm lâm sàng. Vốn là BS chuyên khoa ngoại nhưng giờ tôi như “thợ đụng”, tức đụng đâu làm đấy vì xử lý nhiều bệnh nhân từ khoa nội, khoa ngoại, rồi sản, nhi… “ – anh ví von.

BS Hải sinh năm 1992, công tác tại BV Hữu nghị Việt Đức, tình nguyện đi hỗ trợ BVĐK Như Xuân từ tháng 6-2021 theo Dự án BS trẻ tình nguyện về miền núi, vùng sâu vùng xa của Bộ Y tế (Dự án 585). Đến nay, anh đã tham gia hơn 400 ca phẫu thuật lớn nhỏ.

“Ở BV tuyến trung ương nhiều ca nguy hiểm, phức tạp hơn ở đây. Nhưng nhờ có trang thiết bị đầy đủ, máy móc hiện đại, các thầy và đồng nghiệp hỗ trợ nên mọi thứ thuận lợi hơn. Về tuyến dưới, tôi gần như phải độc lập, trách nhiệm hơn, quyết đoán hơn. Đôi khi hồi hộp với quyết định của chính mình” – anh chia sẻ.

Chàng bác sĩ trẻ bỏ phố lên núi với người nghèo ảnh 2
BS Hải đang khám cho một bệnh nhi. Ảnh: TÂM AN

Hơn một năm gắn bó với cơ sở, BS Hải và đội ngũ y, BS ở BVĐK Như Xuân đã triển khai nhiều kỹ thuật mới như: Phẫu thuật thoát vị bẹn bằng phương pháp Lichtenstein thay cho phương pháp cổ điển Bassini; kỹ thuật khâu lỗ thủng dạ dày; phẫu thuật trật khớp cùng đòn; triển khai và mổ thường quy các bệnh lý vùng hậu môn trực tràng; bệnh lý về tiết niệu; triển khai 3-4 ca phẫu thuật nội soi… Với những ca phức tạp, anh thường liên hệ với các chuyên gia Hà Nội để được hướng dẫn.

Theo Dự án 585, BS Hải sẽ ở lại BVĐK Như Xuân ba năm. Với sức trẻ và sự nhiệt huyết, anh đang ấp ủ nhiều dự định để nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh cho người dân nơi này. “Tham gia dự án là một trải nghiệm quý giá, cũng là cơ hội cho tôi. Thực sự, có đi thế này, được làm được ở cùng anh em mới thấm hết những khó khăn của y tế tuyến dưới” – anh tâm sự.

Thông qua BS Hải kết nối với BV Hữu nghị Việt Đức, nhiều kỹ thuật mới được phối hợp triển khai ngay tại BVĐK Như Xuân, giúp người bệnh tiết kiệm rất nhiều chi phí đi lại, điều trị so với việc lên tuyến trên.

Có những ca không quá phức tạp, trước đây phải chuyển tuyến vì không có nhân lực, máy móc thì nay BV đã khắc phục được. Chỉ tính riêng ngoại khoa, trước đây mỗi năm trung bình 800-1.000 ca phải chuyển tuyến tỉnh thì nay chỉ còn khoảng 400-500 ca. Sắp tới BV sẽ mời các chuyên gia về chuyển giao trực tiếp, cầm tay chỉ việc với các kỹ thuật mới và khó để phục vụ bà con nơi đây được tốt hơn.

BS TRỊNH NGỌC HÂN – Giám đốc BVĐK Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Nguồn https://plo.vn/chang-bac-si-tre-bo-pho-len-nui-voi-nguoi-ngheo-post721297.html

Hãy để lại bình luận

avatar
  Subscribe  
Notify of

Bình luận Facebook

Bản quyền thuộc về Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế - Thiết kế Web Minh Dương
thiết kế web giá rẻ | dịch vụ seo