Chương trình toạ đàm Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, ưu tiên 62 huyện nghèo” do Bộ Y tế phối hợp với Trường đại học Y Dược Huế tổ chức, vừa diễn ra sáng nay tại Trường đại học Y Dược Huế. Chương trình có sự tham gia của lãnh đạo các Sở Y tế Quảng Nam, Quảng Ngãi, các bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện TW Huế, Bệnh viện Đa khoa TW Quảng Nam và đông đảo sinh viên Y5, Y6, bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa I của Trường đại học Y Dược Huế.
Tại toạ đàm, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế Nguyễn Tuấn Hưng cho biết, tình trạng thiếu nhân lực ở tuyến huyện (đặc biệt trong 62 huyện nghèo) là rất nghiêm trọng. Ở một số bệnh viện của các huyện nghèo như Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu chỉ có 7 – 8 bác sĩ, trong đó có 1 – 2 bác sĩ CKI; một số trung tâm y tế huyện như Bình Định, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Nghệ An,… chỉ có 4 – 5 bác sĩ, có 1-2 bác sĩ CKI. Trong khi đó, một bộ phận sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học y chưa được sử dụng tốt, không làm việc theo nghề đào tạo hoặc chưa tìm được việc làm và có xu hướng tập chung tại các thành phố lớn.
Theo ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, ưu tiên 62 huyện nghèo” của Bộ Y tế nhằm giải quyết tình trạng mất cân đối nhân lực y tế, đặc biệt là cán bộ y tế chất lượng cao giữa các vùng miền. “Tình trạng này xảy ra không chỉ Việt Nam mà trên thế giới. Cách giải quyết của chúng ta là theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, đưa bác sĩ khá, giỏi tình nguyện và được đào tạo một cách bài bản, cầm tay chỉ việc tại chỗ 2 năm, sau đó mới đưa về cho các huyện nghèo, ông Tác nói. – Các bạn yên tâm rằng Bộ Y tế sẽ khớp cung – cầu một cách đồng bộ (ví dụ các huyện cần bác sĩ ngoại và các bạn mong muốn đi ngoại thì chúng tôi sẽ khớp cung – cầu, chỗ nào cơ sở vật chất chưa đảm bảo thì Bộ Y tế sẽ tăng cường ở đó, rồi mới quyết định đưa bác sĩ ngoại tới”. Cũng theo ông Tác, tinh thần các bạn sinh viên y dược rất cao và nhiệt tình tham gia. Đến nay đã có gần 100 sinh viên tốt nghiệp đã đăng ký tham gia dự án và 50 trong số đó đã nộp đơn chính thức. Vụ đã khớp cung – cầu được 8 sinh viên, trong đó có 1 nữ đi tình nguyện công tác ở các tỉnh phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái.
Trả lời câu hỏi của nhiều sinh viên về quyền lợi khi tham gia dự án, ông Tác cho biết, bác sĩ trẻ tham gia dự án sẽ được các bệnh viện tuyển dụng: trả lương, các khoản phụ cấp quanh lương. Hưởng 100% lương; được địa phương tạo điều kiện thuận lợi về nhà công vụ, các điều kiện vật chất liên quan khác (nếu có). Được ưu tiên trong đào tạo nâng cao trình độ (CK1). “Sinh viên được tuyển chọn tham gia dự án phải tốt nghiệp chính quy loại khá, giỏi trở lên nên cái “nền” đã tốt. Các sinh viên này sau đó tiếp tục được tuyển lựa vào và đào tạo một cách rất bài bản, chẳng hạn như bác sĩ ngoại phải làm được ít nhất 10 kỹ thuật, phải mổ được trên mô phỏng và bệnh nhân. Vì vậy khi về địa phương, chắc chắn bạn đó có thể phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân và tiếp tục dạy lại cho người khác. Các sinh viên tốt nghiệp loại giỏi sẽ được xét tuyển đặc cách, loại khá sẽ được xét tuyển, sau đó tuỳ thuộc mong muốn làm ở lĩnh vực nào thì dự án sẽ khớp cung-cầu và làm việc với các bác sĩ tại các bệnh viện lớn để đào tạo thêm tại chỗ 2 năm rồi mới đi làm nghĩa vụ 3 năm với nam và 2 năm với nữ”, ông Tác cho biết.
Trước băn khoăn về đầu ra sau khi công tác tại các huyện nghèo, hải đảo trở về, ông Tác khẳng định, “Các bạn có thể yên tâm không phải lo lắng gì cả. Ngoài các quyền lợi trên đối với sinh viên y năm 6 tốt nghiệp, thì đối với bác sĩ nội trú ở Huế nếu đăng ký đi tình nguyện, ví dụ đi ngoại ở Tây Giang Quảng Nam chẳng hạn, thì sau khi được tổ chức đào tạo tại chỗ theo chuyên ngành sẽ được tuyển viên chức về ngọai Bệnh viện Trung ương Huế. Và khi kết thúc thời gian tình nguyện trở về, vì là viên chức của Bệnh viện Trung ương Huế nên sẽ quay về đó làm việc hoặc nếu muốn công tác tại bệnh viện tỉnh nơi công tác thì dự án sẽ thương thuyết với tỉnh. Nếu có nhu cầu ở lại công tác lâu dài tại nơi đăng ký tình nguyện, dự án sẽ làm việc với địa phương để theo 2 hướng: nếu bạn có khả năng phát triển về chuyên môn thì tạo điều kiện cho bạn học sâu hơn và sẽ được miễn học phí sau đại học, học chuyên khoa I, thạc sĩ,… Đây chính là tính ưu việt của dự án. Hướng thứ hai, nếu bạn giỏi về quản lý thì Bộ Y tế đang thành lập 2 trung tâm đào tạo quản lý cho hệ thống của ngành và sẽ hướng các bạn học quản lý để về quản lý các bệnh viện. Tóm lại đây cũng là một cuộc thử nghiệm tài năng của các bác sĩ trẻ”, ông Tác nói.
Tất nhiên bên cạnh rất nhiều ưu đãi thì các bác sĩ trẻ cũng sẽ gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên “với tinh thần và nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi hy vọng các bạn sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hơn nữa, đây là dự án mà các bác sĩ trẻ có thể thấy tương lai phía trước rất xán lạn nếu thực hiện tốt nhiệm vụ, đặc biệt là được quay trở về nơi mà bạn mong muốn công tác nhất. Trong tình hình số sinh viên tốt nghiệp ngày càng tăng và nhiều người đang phải trong trạng thái chờ việc chứ không tuyển ngay được thì các bác sĩ trẻ khi tham gia dự án sẽ được tuyển ngay, được đào tạo ngay và có nhiều ưu đãi vì đi phục vụ đồng bào vùng sâu vùng xa, hải đảo, biên giới”, ông Tác nói.
Có tổng số 500 bác sĩ trẻ tham gia dự án. Ngoài ra, dự án sẽ mở rộng, đặc biệt là trong tình hình biên giới, hải đảo hiện nay thì không chỉ 62 huyện nghèo mà sẽ mở rộng cho vùng biên giới và hải đảo vì rất nhiều ngư dân ở hải đảo cũng cần chăm sóc. Ví dụ Quảng Nam có xã đảo Cù Lao Chàm, Quảng Ngãi có huyện đảo Lý Sơn dù không phải là huyện đảo nghèo nhưng cũng rất cần tăng cường thêm bác sĩ để chăm sóc sức khoẻ cho ngư dân và giúp họ yên tâm bám biển
Hãy để lại bình luận