Ngày 25/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành các quyết định về việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với: nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ đại học; nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học và ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng năm 2021.
Nhóm ngành sức khoẻ giữ ổn định
Nhìn chung, so với năm 2020, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhóm ngành sức khoẻ giữ ổn định còn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhóm ngành đào tạo giáo viên tăng 0,5 điểm.
Cụ thể, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào từ điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh nhóm ngành sức khoẻ có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ đại học năm 2021 đối với thí sinh ở khu vực 3 có mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của tất cả các tổ hợp gồm 3 bài thi/môn thi như sau:
22 điểm với ngành Y khoa và Răng hàm mặt; 21 điểm với ngành Dược và Y học cổ truyền; 19 điểm đối với các ngành khác gồm: Điều dưỡng, Y dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Kỹ thuật phục hình răng.
Đối với sư phạm, 19 điểm là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học.
Riêng các ngành Giáo dục thể chất, Huấn luyện thể thao, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, ngưỡng này là 18 điểm đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hoá. Các tổ hợp xét tuyển khác thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành.
17 điểm là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng, đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hoá. Các tổ hợp xét tuyển khác thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành.
Đối với các ngành khác ngoài nhóm ngành sức khoẻ, sư phạm, các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định và chịu trách nhiệm giải trình.
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (hay còn gọi là điểm sàn) là điều kiện cần để thí sinh có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào trường nhằm đảm bảo chất lượng nguồn tuyển sinh.
Tới đây, từ ngày 29/8 đến 17h00 ngày 05/9, thí sinh sẽ chính thức điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT trên Cổng thông tin tuyển sinh. Bộ GDĐT và Hội đồng tuyển sinh các trường sẽ thực hiện xét tuyển và lọc ảo toàn quốc từ ngày 13 đến ngày 15/9. Các trường sẽ tiến hành xét tuyển từ cao xuống thấp dựa trên đăng ký và điểm thi của thí sinh. Điểm chuẩn có thể bằng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào hoặc cao hơn.
Ý kiến đại diện Bộ Y tế
TS. Phạm Văn Tác – Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia – Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo cho ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhóm ngành đào tạo sức khoẻ có chứng chỉ hành nghề vừa được quyết định là rất phù hợp. Do đại dịch COVID-19, các em học sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm nay học tập vừa trực tiếp vừa trực tuyến trong gần 3 năm qua. Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được tổ chức rất thành công, hợp lý, công bằng, hiệu quả, khách quan. Qua thông tin của Bộ GDĐT, chúng ta thấy chất lượng đề thi về cơ bản giữ được như năm trước và chất lượng đầu vào phù hợp.
Năm nay, số lượng đăng ký vào đại học có tăng lên một chút. Tuy nhiên, với ngành Y có một số tác động nhất định do điều kiện COVID-19.
Do vậy, ngưỡng điểm như vậy phù hợp với tất cả, trường công lập cũng như trường ngoài công lập. Đồng thời, tập trung nhiều vào các ngành lớn như Y đa khoa, Dược, Điều dưỡng, Kỹ thuật viên, đều là những đối tượng mà ngành Y tế đang rất cần, đặc biệt sau đại dịch COVID-19 – những người trụ lực trong phòng, chống dịch cũng như chăm sóc sức khoẻ cho người dân.
Hiện nay có 54 trường đang tham gia đào tạo đại học khối ngành sức khoẻ và 32 trường đang đào tạo khối Y khoa, đều cơ bản thống nhất, đồng thuận cao với phương án này.
Đây cũng là điều kiện góp phần ổn định xã hội. Thời gian qua, ngành Y vất vả trong phòng, chống dịch, nhưng qua đó cho thấy chất lượng cần phải đảm bảo.
Ngành Y là một ngành cao quý, cùng với ngành sư phạm, ngành Y bao giờ cũng được xã hội tôn vinh. Qua đại dịch vừa rồi, rất nhiều bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đã giỏi hơn rất nhiều, làm tốt hơn nhiều công việc của mình. Nói chung, những người theo ngành Y là những người tâm huyết, vì cộng đồng, vì sức khoẻ người dân. Đây cũng là niềm hạnh phúc, là mong muốn của nhiều người dù rằng đặc thù công việc này vốn luôn rất vất vả. Tôi cho rằng nhiều học sinh cũng có mơ ước như vậy. Các em hãy suy nghĩ và nếu thực sự mong muốn cùng năng lực phù hợp thì hãy đặt nguyện vọng vào ngành Y để tự tin tiến vào các trường đại học có đào tạo nhóm ngành sức khoẻ, để cống hiến hết mình vì sức khoẻ của người dân trong tương lai.
Hãy để lại bình luận