Chiều 6/6, Trường ĐH Phenikaa đã tổ chức lễ xuất quân tiễn 24 cán bộ, giảng viên, sinh viên Khoa Điều dưỡng tình nguyện lên đường tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Bắc Ninh. Tất cả đều sẵn sàng và nhiệt huyết,  họ không hề căng thẳng hay lo lắng dù biết chuyến đi này sẽ vất vả.

Dẫu biết rằng chuyến “công tác đầu đời” này chưa biết sẽ kéo dài bao lâu nhưng cô sinh viên năm thứ 4 Đinh Kim Chi của Trường ĐH Phenikaa vẫn mạnh dạn tình nguyện tham gia với quyết tâm bao giờ hết dịch thì mới trở về.

Kim Chi chia sẻ: “Bắc Ninh và Bắc Giang là hai tỉnh có số ca mắc COVID-19 cao nhất cả nước. Lực lượng tham gia chống dịch ở đây vô cùng gian nan, vất vả. Do vậy, em và các bạn sinh viên đã chủ động làm đơn xin tham gia chống dịch với mong muốn có thể áp dụng kiến thức, chuyên môn của mình, góp phần đẩy lùi dịch bệnh để cuộc sống của người dân nhanh chóng trở lại bình thường. Lúc đầu mẹ em rất phản đối vì lo lắng nhưng bố em lại ủng hộ. Bố đã động viên và cùng em thuyết phục mẹ, và mẹ đã đồng ý nên em càng có động lực để lên đường làm việc”.

Tuy mới chỉ là sinh viên năm thứ 2 nhưng Ngọc Anh cũng lên đường đi Bắc Ninh: “Năm thứ 2 chúng em đã học các môn chuyên ngành, thêm nữa em và các bạn lại được tập huấn rất kỹ trước khi thực hiện nhiệm vụ nên em cảm thấy tự tin và quyết tâm”.

Ngay khi biết có lịch lên đường, Lò Văn Cơ, sinh viên năm thứ 4 cùng Tòng Thị Ánh Nguyệt, sinh viên năm thứ 3 đã đi xe máy từ Sơn La xuống Hà Nội để chuẩn bị vào vùng dịch.

“Chúng em luôn sẵn sàng, bố mẹ em làm trong ngành y nên rất hiểu sự thiếu hụt nhân lực của lực lượng tuyến đầu giai đoạn này. Chúng em luôn tin tưởng vào các thiết bị bảo hộ được trang bị cũng như những kiến thức y khoa đã được học, kiến thức phòng chống dịch được tập huấn kỹ lưỡng trước ngày về vùng dịch để đảm bảo an toàn cho bản thân” – Lò Văn Cơ chia sẻ.

Trong khi đó, Ngô Đức Vượng, sinh viên năm thứ nhất cho biết: “Đây là lần đầu tiên em tình nguyện vào vùng dịch lấy mẫu bệnh phẩm. Mỗi lần nhìn hình ảnh có y bác sĩ nằm bệt dưới đất vì làm việc quá sức, hay có bạn sinh viên đi chống dịch đã ngất xỉu vì cường độ làm việc quá cao, em rất xúc động. Em muốn được chia sẻ sức vóc nhỏ bé của mình cùng các y bác sĩ trẻ”.

Sinh viên tình nguyện của Trường ĐH Phenikaa đang thực hành lấy mẫu xét nghiệm COVID – 19
Ảnh: Trọng Đại

GS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa khẳng định, nhà trường rất tự hào khi có những sinh viên là “chiến sĩ” tình nguyện tham gia hoạt động phòng chống dịch COVID-19 tại Thuận Thành, Bắc Ninh. Sự tham gia của các em là bằng chứng về tinh thần xung kích của tuổi trẻ. Đây chính là cơ hội để các sinh viên được trải nghiệm, được tiếp xúc với công việc phòng chống dịch bệnh. Từ đó, các em sẽ hiểu hơn vai trò của khối ngành này không chỉ là khám chữa bệnh mà phòng, chống dịch cũng là một nhiệm vụ lớn lao, để góp phần bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Được biết trong đợt dịch tái bùng phát này, Trường ĐH Phenikaa đã tặng 10.000 tấm chắn giọt bắn tới hơn 30 địa phương, trong đó hơn một nửa được chuyển tới tâm dịch Bắc Giang và Bắc Ninh. Ngoài ra, nhà trường còn gửi 10.000 chai nước orezol cho đội ngũ cán bộ y tế tuyển đầu và chuyển 1 robot khử khuẩn lên đường hỗ trợ phòng, chống dịch tại Bệnh viện dã chiến số 2 Bắc Giang.

Sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội quyết tâm lên đường đẩy lùi dịch bệnh tại vùng dịch nóng bỏng

Theo Bộ Y tế, hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long dành cho các trường ĐH và cao đẳng y, dược trên toàn quốc hỗ trợ nhân lực cho công tác phòng, chống dịch tại Bắc Giang và Bắc Ninh, đã có 24.413 cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên của 38 trường ĐH, cao đẳng ngành y, dược đăng ký tình nguyện tham gia phòng chống dịch tại điểm nóng Bắc Ninh, Bắc Giang.

Đây là đợt huy động tổng lực nhân lực y dược đông nhất, lớn nhất trong cả nước nhằm hỗ trợ ngành y tế Bắc Ninh, Bắc Giang chống dịch.

Giáo sư Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội chia sẻ: “Dịch xảy ra là điều không ai mong muốn, có khi trong cả đời công tác của chúng ta cũng chỉ có một vài vụ dịch và đây là cơ hội học tập, trải nghiệm rất tốt cho các em. Những kiến thức được học trên giảng đường và kiến thức, điều kiện thực tiễn có sự khác biệt. Cùng với đó là cách giao tiếp xã hội, sự tương tác với đồng nghiệp, cán bộ y tế ở địa phương. Trách nhiệm rất lớn nên nhà trường hy vọng cán bộ và các sinh viên sẽ nỗ lực hết mình”.

Nguồn Cẩm Lệ

http://cand.com.vn/y-te/Hang-ngan-sinh-vien-xung-phong-vao-tam-dich-Bac-Ninh-Bac-Giang-644646/