Ngày 16/4/2021, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo đã tổ chức Hội thảo “Đào tạo và sử dụng nhân lực y tế dự phòng”, đến dự Hội thảo về phía Bộ Y tế có – Đồng chí Trần Văn Thuấn, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế; GS.TS. Lê Quang Cường, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Y khoa quốc gia, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; TS. Phạm Văn Tác, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo và đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, Lãnh đạo một số Viện, Bệnh viện, các Trường tham gia đào tạo nhân lực Y tế dự phòng. Ngoài ra còn có sự tham gia của Đại diện Tổ chức Y tế thế giới, các Tổ chức NGOs: HealthBridge, PATH, FHI, MCNV, RTCCD, CDC Hoa Kỳ, Các Hội nghề nghiệp và một số Công ty sản xuất Vắc xin , Sinh phẩm Y tế.
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, các nghị quyết của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế và Nghị quyết về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đều xác định đào tạo nhân lực y tế cần phải đổi mới căn bản, toàn diện để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân và hội nhập quốc tế.
Nhờ những thành công trong phòng chống dịch bệnh COVID-19, Việt Nam được Viện Nghiên cứu Lowy của Australia đánh giá là một trong 3 quốc gia và vùng lãnh thổ ứng phó đại dịch COVID-19 hiệu quả nhất trên thế giới. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn: “Đó một phần là nhờ công lao to lớn của những người làm công tác y tế dự phòng, trong sự quyết tâm chung của cả hệ thống chính trị. Có được thành tích lớn lao trong công tác phòng chống dịch đó, chúng ta không thể quên công tác đào tạo nhân lực khối y tế dự phòng.”
Hiện nay, trong lĩnh vực đào tạo y tế dự phòng, cả nước có 10 trường đào tạo bác sỹ y học dự phòng, 13 trường đào tạo cử nhân y tế công cộng, hàng năm một số lượng lớn nhân lực y tế dự phòng được đào tạo, tốt nghiệp, tuy nhiên số lượng nhân lực cán bộ làm trong lĩnh vực này chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực ở cả trung ương và địa phương do một số bác sỹ sau khi tốt nghiệp làm trái ngành nghề đào tạo, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế làm trong lĩnh vực dự phòng còn chưa thỏa đáng với khối lượng và tính chất công việc…
TS Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tổng số cán bộ y tế dự phòng từ trung ương đến tuyến huyện khoảng 17.100 người, chiếm 42% so với nhua cầu nhân lực cần có. Số nhân lực thiếu hụt là khoảng 23.800 người, trong đó bác sĩ thiếu 8075 người, cử nhân y tế công cộng thiếu 3.993 người. Nguồn nhân lực y tế dự phòng vừa thiếu vừa yếu, nhiều bác sĩ hệ y tế dự phòng từ hệ điều trị chuyển sang, thiếu những người được đào tạo chính quy. Chương trình đào tạo chưa có sự thống nhất, chậm đổi mới. Cơ sở vật chất trang thiết bị cho đào tạo còn thiếu và lạc hậu…
Cũng tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe báo cáo viên đại diện cho các Vụ, Cục của Bộ Y tế, các cơ sở đào tạo nhân lực y tế dự phòng trình độ đại học, sau đại học; các đơn vị tuyển dụng; các chuyên gia trong và ngoài nước và các Tổ chức phi chính phủ trình bày các báo cáo và tham luận, trao đổi, bao gồm:
– Tổng quan về đào tạo nhân lực y tế dự phòng tại Việt Nam;
– Thực trạng sử dụng nguồn nhân lực y tế dự phòng tại Việt Nam;
– Thực trạng đào tạo Y tế công cộng và bác sĩ Y học dự phòng tại Việt Nam;
– Khuyến cáo của Tổ chức y tế Thế giới về đào tạo và sử dụng nhân lực cho hệ thống y tế dự phòng của Việt Nam trong thời gian tới;
– Thực trạng sử dụng nguồn nhân lực bác sỹ y học dự phòng, cử nhân y tế công cộng và các đối tượng khác tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh;
– Tham luận của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD).
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, TS. Phạm Văn Tác nêu hiện nay Bộ Y tế rất cầu thị, lắng nghe các kiến nghị, đề xuất giải pháp, đến từ các Trường, Viện đào tạo, để làm cơ sở cho hoach định chính sách đào tạo nhân lực y tế dự phòng thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045. Hai trong số các Viện, Trường đã đại diện trình bày báo cáo chi tiết phục vu cho tiến trình thảo luận của Hội thảo. Bên cạnh đó, Bộ Y tế luôn lắng nghe tiếng nói từ khối các tổ chức xã hội, đặc biệt từ các tổ chức khoa học phản biện độc lập chính sách y tế. Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD), Hội Y tế Công cộng, và Liên minh Phòng chống các bênh không lây nhiễm Việt nam đã thực hiện một đánh giá nhanh chất lượng nhân lực y tế dự phòng, y tế công cộng, thể hiện qua thực tế công tác tại các tổ chức ngoài nhà nước, các NGOs trong nước và quốc tế, và đã tạo ra khuyến cáo đại diện cho tiếng nói của các tổ chức xã hội quan tâm tới lĩnh vực này.
Hội thảo đã có được những thảo luận sôi nổi, nhiều đề xuất giải pháp mới được đưa ra. Tại Hội thảo này đã tập hợp được đội ngũ chuyên gia, tiếp tục làm việc ngay sau Hội thảo, để cùng tập hợp và phân tích các khuyến cáo, đề xuất có được, xây dựng thành chương trình hành động cụ thể trong năm 2021, để đảm bảo, trước khi bước sang năm 2022, chúng ta có được giải pháp thực tế và khả thi thể hiện thành chính sách đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực y tế dự phòng.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Hãy để lại bình luận