Ngày 24/11/2020 Trường Đại học Y Hà Nội đã tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm đào tạo Tiến sĩ (1980-2020), đến dự buổi Lễ về phía Bộ Y tế có GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế, TS. Phạm Văn Tác – Phó chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, TS. Nguyễn Minh Lợi – Chánh Văn phòng Ban cán sự Đảng Bộ Y tế và đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo; cùng các Giáo sư, giảng viên hướng dẫn và nghiên cứu sinh của Trường từ trước đến nay.
Phát biểu tại buổi Lễ GS.TS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội, cho hay với phương châm coi đào tạo bậc đại học là cơ bản, đào tạo bậc sau đại học là đặc biệt quan trọng, Trường Đại học Y Hà Nội – là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao của Việt Nam – đặc biệt coi trọng đến chất lượng đào tạo nhân lực y tế bậc sau đại học trong đó có đào tạo Tiến sĩ. “Các yêu cầu đòi hỏi của Nhà trường bao giờ cũng cao hơn những yêu cầu cơ bản của Bộ Giáo dục và đào tạo” – GS Tạ Thành Văn khẳng định.
GS.TS Trần Văn Thuấn Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại lễ kỷ niệm
Phát biểu ý kiến tại lễ kỷ niệm Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn, cho rằng việc hội nhập quốc tế trong đào tạo ngành y nói chung và đào tạo tiến sĩ nói riêng còn nhiều thách thức, đòi hỏi nhà trường cần có những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Thứ trưởng Y tế cho rằng, để việc đào tạo nghiên cứu sinh đạt được hiệu quả cao hơn thì việc tuyển chọn các ứng viên nghiên cứu sinh được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ theo quy định nhưng cũng có tính chất hướng dẫn, đào tạo từ trước khi thi nghiên cứu sinh, giúp nghiên cứu sinh có lộ trình hoàn thiện hồ sơ chu đáo nhất với các tiêu chí cứng như trình độ ngoại ngữ, bài báo quốc tế… Về đề tài nghiên cứu sinh, Trường tập trung vào các đề tài có tính khả thi cao, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trong địa bàn làm đề tài và mở rộng ứng dụng ra các vùng, miền trong cả nước.
GS.TS Lê Quang Cường – Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia và TS. Phạm Văn Tác – Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia
Trong quá trình đào tạo, các thầy, cô và nghiên cứu sinh cần tích cực triển khai nghiên cứu khoa học, viết bài báo quốc tế nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng của nghiên cứu sinh, vừa khẳng định vị thế hội nhập của Trường, đồng thời cũng tạo cơ hội cho những ứng viên dự kiến sẽ thi nghiên cứu sớm hoàn thiện các tiêu chuẩn cứng để dự thi nghiên cứu sinh.
Việc đào tạo được một tiến sĩ kéo dài trong nhiều năm và rất công phu, nghiêm túc. Chính vì vậy Trường cần đẩy mạnh và tạo điều kiện cho các nghiên cứu sinh trau dồi kỹ năng sư phạm để khi về đơn vị có thể truyền đạt kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho những đồng nghiệp chung quanh, đồng thời có định hướng mới nghiên cứu sinh sau khi tốt nghiệp sẽ tham gia giảng dạy ở các Trường khối ngành sức khỏe trong cả nước. Cần gắn việc đào tạo tại Trường với các cơ sở thực hành, với cộng đồng để những đề tài của nghiên cứu sinh được ứng dụng đem lại hiệu quả phục vụ nhân dân.
Hiện nay, có xu hướng nhiều cơ sở y tế, nhất là các bệnh viện ưu tiên cử cán bộ đi học bác sĩ chuyên khoa II và hạn chế cử bác sĩ đi học tiến sĩ. Do vậy, nhà trường cũng cần có định hướng về đào tạo để ngoài việc nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực cho nhóm bác sĩ chuyên khoa II cũng cần bảo đảm và nâng cao chất lượng cho đào tạo tiến sĩ theo hướng hội nhập quốc tế, để tiến sĩ được đào tạo tại Trường Y Hà Nội trở thành thương hiệu không chỉ ở trong nước mà cả ở trong khu vực và thế giới.
PGS.TS Nguyễn Vũ Trung – Phó Cục trưởng tham gia buổi Tọa đàm 40 năm đào tạo Tiến sĩ
TS. Nguyễn Thế Hiển – Nghiên cứu sinh cũ của Trường
Một số hình ảnh tại buổi lễ:
Hãy để lại bình luận