“Lối mở” để nâng cao chất lượng y tế cơ sở

GiadinhNet – Từ cứu trẻ bị ngạt sau sinh, sốc nhiễm khuẩn nặng, đến cấp cứu tai biến sản khoa, thậm chí bị phơi nhiễm HIV… là những câu chuyện có thật với hơn 100 bác sĩ trẻ tình nguyện thuộc Dự án 585 đã được Bộ Y tế bàn giao trong hơn 5 năm qua.

Bác sĩ “trẻ măng” tham gia hơn một nửa ca mổ toàn bệnh viện huyện

Tháng 9/2018, Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Lạc, Cao Bằng tiếp nhận sản phụ mang thai 31 tuần, mắc hội chứng HELLP (hội chứng tiền sản giật nặng) khiến người phụ nữ này bị suy gan cấp, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu. Trong trường hợp này, đòi hỏi các bác sĩ phải xử lý đình chỉ thai nghén để cứu mẹ (ưu tiên) và cứu con. Được sự trợ giúp của các đồng nghiệp, bác sĩ trẻ Dương Mạnh Huy đã thực hiện mổ thai thành công, cứu sống cả mẹ và con, em bé sinh được 1.100g, hoàn toàn khỏe mạnh.

BS Dương Mạnh Huy được đào tạo chuyên ngành Sản khoa. Sau 6 năm học Đại học Y Hà Nội, anh tình nguyện nộp hồ sơ tham gia vào Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)” (gọi tắt là Dự án 585) của Bộ Y tế. Tham gia Dự án, chàng bác sĩ trẻ măng được đào tạo thêm 2 năm chuyên khoa 1. Ngày 31/1/2018, tốt nghiệp khóa học này, BS Dương Mạnh Huy “đầu quân” về làm việc nơi cách Hà Nội hơn 300km – Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Lạc, Cao Bằng.

Vượt qua những rào cản về ngôn ngữ, phong tục tập quán, thậm chí nhiều đêm mất ngủ, BS Dương Mạnh Huy nhanh chóng “hoà nhập” với nơi vùng cao này. Sau 1 năm công tác, anh đã tham gia hơn 50% ca mổ toàn viện, trong đó 1/5 số ca mổ là do vị bác sĩ trẻ tình nguyện này đứng chính; triển khai thêm một số kỹ thuật như áp dụng siêu âm trong chẩn đoán, điều trị, làm thủ thuật sản phụ khoa. Hết năm 2019, con số này tăng hơn nhiều lần.

BS Dương Thế Huy là một trong số hàng trăm bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn theo chương trình Dự án 585. Dự án này được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt từ tháng 2/2013. Đây được coi là bước đột phá của ngành Y tế trong việc tiến tới đảm bảo đủ nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở các địa phương còn khó khăn. Qua đó tạo cơ hội cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng, xã hội.

5 năm, bàn giao 104 bác sĩ trẻ, giỏi, tình nguyện về vùng khó khăn công tác

Bộ Y tế cho biết, đến nay đã có hơn 350 bác sĩ trẻ được đào tạo chuyên khoa cấp I, thuộc 11 chuyên ngành. Đây là những bác sĩ tốt nghiệp loại Giỏi, Khá tại các trường đại học Y khoa trong cả nước, tình nguyện tham gia dự án.

TS Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), Giám đốc Dự án 585 cho hay, sau 5 năm triển khai dự án, đã có 104 bác sĩ của 6 khoá được Bộ Y tế bàn giao cho 48 huyện khó khăn thuộc 17 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục bàn giao số còn lại.

“Các bác sĩ đã thực hiện được hầu hết phân tuyến kỹ thuật chuyên môn dành cho cấp huyện, chuyển giao những kỹ thuật mới cho địa phương, đồng thời tích cực tham gia hoạt động cộng đồng. Kết quả của dự án không những được các đồng nghiệp y tế đánh giá cao mà còn được lãnh đạo đảng, chính quyền địa phương nơi các bác sĩ trẻ tình nguyện công tác cũng như người bệnh, người dân vùng khó khăn hết lòng ca ngợi”, TS Phạm Văn Tác cho hay.

Hiện nay, tại 62 huyện nghèo của cả nước đang thiếu khoảng 600 bác sĩ. Theo mục tiêu đặt ra, tới năm 2020 ngành Y tế sẽ đưa hơn 300 bác sĩ trẻ về công tác tại các huyện nghèo cần nhân lực chăm sóc sức khỏe. Được biết, việc phân bổ các bác sĩ trẻ tình nguyện sau đào tạo về các huyện nghèo theo cung cầu của địa phương do Sở Y tế tổng hợp đề xuất với Bộ Y tế.

TS Phạm Văn Tác cho rằng, để bảo đảm cho những bác sĩ trẻ có thể tự tin “độc lập tác chiến” ở vùng sâu, vùng xa, công tác đào tạo được xây dựng riêng theo hướng “cầm tay chỉ việc” và “một kèm một”. Mỗi học viên được một giáo sư, chuyên gia đầu ngành kèm cặp, “huấn luyện” trong hai năm. Ban Quản lý Dự án đã có một sự “nhào nặn” chuyên nghiệp nhằm tạo ra các bác sĩ trẻ giỏi tay nghề có thể “lên non” phục vụ người dân ở đây. Các bác sĩ lên huyện vùng cao công tác đang phát huy rất tốt, có người làm được 50, thậm chí 70 kỹ thuật thuộc các lĩnh vực ngoại khoa, chẩn đoán hình ảnh…

Bài và Ảnh: Quỳnh An, báo Điện tử Gia đình & xã hội

Hãy để lại bình luận

avatar
  Subscribe  
Notify of

Bình luận Facebook

Bản quyền thuộc về Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế - Thiết kế Web Minh Dương
thiết kế web giá rẻ | dịch vụ seo