Những bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi theo Dự án 585 – “Đề án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn” (do Bộ Y tế xây dựng và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh hỗ trợ từ tháng 8/2017 đến nay) đã phát huy được năng lực của mình, đóng góp rất lớn vào công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng sâu, vùng xa.
Là người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên ở huyện Nậm Pồ – một huyện nghèo của tỉnh Điện Biên, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược Thái Bình, bác sĩ Lò Thị Thanh Hợp đã về nơi mình sinh ra để công tác. Dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh ở Nậm Pồ còn rất khó khăn.
Phong tục tập quán lạc hậu, một số người ốm chữa bệnh theo “thầy mo” chứ không đến bệnh viện. Là người con của dân bản, bác sĩ Hợp rất thấu hiểu điều này. Làm sao để vận động người dân ốm đến bệnh viện, làm sao để nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt bà con ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa luôn là trăn trở và khao khát của chị.
Khi có Dự án 585, bác sĩ Hợp đã tình nguyện tham gia. Sau đó, bằng nỗ lực và nghiệp vụ của mình, chị đã được phân công và đảm nhiệm Trưởng Khoa Nhi của Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ. Công việc của một bác sĩ ở huyện miền núi khác rất nhiều so với bác sĩ ở miền xuôi, đặc biệt lại là huyện nghèo như Nậm Pồ. Chị không ngừng học hỏi để trau dồi kinh nghiệm, nỗ lực gấp nhiều lần để vận động người dân nắm bắt tình hình dịch bệnh, vận động phụ huynh đưa con đến khám, chữa bệnh mà không tự chữa tại nhà.
Khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều người dân trong huyện rất hoang mang, lo sợ. Chị đã tuyên truyền cho tất cả mọi người dân hiểu, biết về COVID-19 và nhận thức về tiêm vaccine phòng COVID- 19 để phòng bệnh; vận động gia đình và người thân tuân thủ các quy định của nhà nước trong phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, chủ động khai báo y tế hoặc chủ động cách ly khi về từ các vùng đang có dịch.
Thời điểm tháng 5, tháng 6/2021, dịch COVID-19 bùng phát tại Nậm Pồ, các ca nhiễm lây lan nhanh chóng, trong bộ quần áo bảo hộ kín mít, trời hè nóng nực, mỗi ngày chị phải di chuyển hàng chục km đường rừng núi để đi xét nghiệm cho người dân. Chị kể, mình cùng với các nhân viên Khoa Xét nghiệm, Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ phối hợp với các Trạm Y tế xã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm diện rộng cộng đồng tại các xã có ghi nhận các ca F0, F1 như: Xã Vàng Đán 1.400 mẫu, xã Nà Hỳ được 1.510 mẫu. Có thời điểm quá đông bệnh nhân mắc, dịch lan rộng, mệt mỏi, kiệt sức nhưng sau một đêm nghỉ ngơi, sáng hôm sau chị lại lên đường vì đi càng nhanh bao nhiêu thì càng khoanh vùng, dập dịch sớm bấy nhiêu. Khi số F1, F0 tăng cao, nhân lực y tế thiếu hụt, chị tham gia hỗ trợ các trạm y tế xã 15 đợt tiêm vaccine… Vất vả là thế, có những đêm ca trực thức trắng, sáng hôm sau chị lại lặn lội tới bản với bà con tiếp tục cuộc chiến với COVID-19.
Ngày 23/3 vừa qua, bác sĩ Lò Thị Thanh Hợp đã được tuyên dương là 1 trong 10 Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021 vì những đóng góp xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch.
Cùng với bác sĩ Hợp, nhắc tới bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu, người dân ở huyện Mường Nhé (Điện Biên) vẫn không quên người bác sĩ có tấm lòng ấm áp, cứu sống nhiều bệnh nhi khi anh công tác ở đây. Nguyễn Văn Hiếu là bác sĩ chuyên khoa I, ngành Nhi khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương đã lên công tác tại huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) theo Đề án 585. Với phương châm “sẵn sàng tình nguyện ở bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam, nơi nào dân sống được thì em cũng có thể sống được”, tại địa phương được đánh giá là một huyện nghèo, khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên và là một trong 62 huyện nghèo cả nước, bác sĩ Hiếu đã thắp lên ngọn lửa nhiệt tình, tâm huyết và tinh thần tình nguyện cống hiến của tuổi trẻ, làm đơn tình nguyện công tác thêm 1 năm. Bác sĩ Hiếu cũng là Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017.
Gắn bó với bà con dân bản Mường Nhé 3 năm, bác sĩ Hiếu không nhớ hết những ca cấp cứu xuyên đêm, những bệnh nhi ốm sốt, mắc dịch bệnh đã được anh cứu chữa. Sau khi quay trở lại Bệnh viện Nhi Trung ương, bác sĩ Hiếu được phân công làm việc tại Khoa Sơ sinh.
Tuy nhiên, bác sĩ Hiếu vốn bị bệnh “viêm cột sống dính khớp thể hỗn hợp”, năm 2021, bác sĩ Hiếu phát hiện có khối u lành trong não, anh được các bác sĩ trẻ tại những bệnh viện tuyến trung ương hỗ trợ. Ngày 24/3 vừa qua, anh đã được phẫu thuật lần 2 thành công và tình trạng sức khỏe của bác sĩ Hiếu biến chuyển tốt. Ngày 26/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cùng đoàn công tác đã đến thăm hỏi, động viên bác sĩ Hiếu. Ban chấp hành Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam khóa IV gửi tặng bác sĩ Hiếu 90 triệu đồng do các ủy viên Ban chấp hành Hội đóng góp.
Trong cuộc đối thoại trực tuyến với đoàn viên, thanh thiếu nhi trong và ngoài nước chủ đề “Khát vọng cống hiến – Lẽ sống thanh niên”, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ cảm phục, tri ân sâu sắc với những cống hiến hy sinh của các y, bác sĩ xông pha vào mặt trận chống dịch COVID-19 suốt thời gian qua. Chia sẻ về Đề án 585, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cho biết, các cơ chế chính sách, hỗ trợ thu nhập về mặt điều kiện công tác đã được các cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Đoàn đã bàn với Bộ Y tế, sắp tới sẽ ký kết chương trình hợp tác giai đoạn 2022 – 2026. Trong đó sẽ có kiến nghị, chủ đạo là Bộ Y tế có cơ chế hỗ trợ cho các y, bác sĩ, đặc biệt y, bác sĩ ở vùng sâu, vùng xa tuyến cơ sở được thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ với phương thức đào tạo từ xa, trực tuyến, không cần đi Hà Nội hay đi nước ngoài mới làm được.
Trung ương Đoàn cam kết với y, bác sĩ sẽ làm tốt câu chuyện phát hiện, biểu dương, tuyên dương tấm gương, động viên các y, bác sĩ trẻ khó khăn. Đoàn, Hội, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam sẽ tổ chức thường xuyên, có kênh để chăm lo, động viên cho y, bác sĩ trẻ ở vùng sâu, vùng xa.
(Nguồn Trần Hằng, báo công an nhân dân https://cand.com.vn/Xa-hoi/nhung-thay-thuoc-tre-het-long-voi-nguoi-dan-mien-nui-i648331/)
Hãy để lại bình luận