Sáng ngày 14/01/2022 Bộ Y Tế đã tổ chức Hội thảo “Tổng kết thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực y tế giai đoạn 2012-2020”, đến dự và chỉ đạo Hội thảo có Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, TS. Phạm Văn Tác – Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng, cùng đại diện Lãnh đạo các Vụ Cục trực thuộc Bộ. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với hơn 300 điểm cầu từ các Bệnh viện, Viện, các Trường Đại học và Cao đẳng trên toàn quốc
Bộ Y tế đã xây dựng “Quy hoạch phát triển nhân lực y tế giai đoạn 2012 – 2020” (Quyết định số 816/QĐ-BYT ngày 16/03/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế) hướng tới mục tiêu phát triển nhân lực y tế đủ số lượng, chất lượng, cơ cấu và phân bố hợp lý, để góp phần nâng cao chất lượng công tác y tế, dân số và đáp ứng nhu cầu về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân hướng tới mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển.
Cho đến hết năm 2020, Quy hoạch phát triển nhân lực y tế giai đoạn 2012 – 2020 đã kết thúc. Để cung cấp bằng chứng cho các cơ quan hoạch định chính sách nhằm điều chỉnh các chính sách phát triển nhân lực y tế trong giai đoạn tới, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo và Viện Chiến lược & Chính sách Y tế đã phối hợp triển khai đánh giá kết quả thực hiện “Quy hoạch phát triển nhân lực y tế giai đoạn 2012 – 2020” trên toàn quốc.
Phát biểu tại Hội thảo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị để tăng cường số lượng và chất lượng công tác phát triển nhân lực y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong giai đoạn tới các đơn vị cần:
1. Nhân lực y tế toàn quốc đã đạt được một số chỉ số phát triển tích cực về số bác sĩ, dược sĩ đại học/10.000 dân nhưng nhân lực trình độ cao phân bố không đều và đang thiếu ở tuyến y tế cơ sở và các khu vực khó thu hút. Do đó cần tiếp tục có chính sách ưu đãi trong đào tạo nhân lực y tế các khu vực này.
2. Cần hoàn thiện các quy định về việc đào tạo theo địa chỉ ở trình độ đại học và sau đại học, trong đó, cần ưu tiên người tại địa bàn mà cơ sở y tế đóng; cam kết của người đi học cần có cam kết của gia đình họ và chính quyền; cơ chế đền bù cần nâng lên cao hơn và có tính lãi xuất khi người học vi phạm hợp đồng.
3. Chỉ số điều dưỡng/bác sĩ tại các cơ sở khám chữa bệnh đã giảm rõ rệt tại các địa phương và nguy cơ ảnh hưởng tới chất lượng công tác khám chữa bệnh của nhân dân. Do đó, cần nghiên cứu xây dựng các chính sách liên quan để đảm bảo từng bước nâng cao chỉ số điều dưỡng/bác sĩ tại các cơ sở khám chữa bệnh.
4. Xem xét xây dựng chính sách để tạo điều kiện cho các bác sĩ YHCT được học sau đại học các chuyên ngành phù hợp với với công tác kết hợp YHCT và y học hiện đại trong khám chữa bệnh bằng YHCT.
5. Cần xem xét nâng mức hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề lên mức 100% lương hiện hưởng cho các chuyên ngành hiếm, lĩnh vực dự phòng và y tế cơ sở để tăng ưu đãi đối với khu vực này; triển khai rà soát lược bỏ, bổ sung, các đối tượng thụ hưởng phụ cấp; điều chỉnh chính sách để nhân lực y tế được hưởng nguyên phụ cấp ưu đãi nghề khi đi học lâm sàng và cận lâm sàng.
6. Cần xem xét cho phép các giảng viên kiêm nhiệm công tác chuyên môn y tế tại các bệnh viện thực hành được hưởng thêm chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế cùng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề của nhà giáo.
7. Xem xét xây dựng cơ chế để các giảng viên đào tạo nhân lực khối ngành sức khỏe tại các trường ngoài công lập được tham gia kiêm nhiệm vào công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế để có điều kiện cọ sát tay nghề chuyên môn, phục vụ công tác giảng dạy.
8. Nghiên cứu chính sách ưu đãi để các trường đại học y dược công lập và ngoài công lập thành lập và phát triển các bệnh viện thuộc trường phục vụ công tác giảng dạy thực hành, nghiên cứu cho giảng viên, sinh viên và học viên, cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân.
9. Cần thực hiện sớm việc số hóa số liệu nhân lực y tế và công tác quản lý nhân lực y tế thống nhất trong toàn ngành.
10. Tăng cường công tác đào tạo về kiến thức kỹ năng xây dựng kế hoạch phát triển nhân lực cho lực lượng cán bộ quản lý nhân lực y tế tại các cơ sở y tế, các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế.
Một số hình ảnh Hội thảo:
Hãy để lại bình luận